Hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Bài báo Hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang do Vũ Thị Hiền1- Nguyễn Thị Giang1 - Vũ Văn Học2 (1Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên - 2Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế và chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt, với số liệu được khảo sát từ 84 hộ canh tác hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Kết quả phân tích cho thấy các hộ canh tác hồng trên địa bàn xã Quản Bạ có hiệu quả kinh tế cao nhất xét trên tất cả các chỉ tiêu phân tích. Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả kinh tế các hộ canh tác hồng không hạt chịu sự ảnh hưởng của 3 yếu tố, đó là: giáo dục, loại hộ và diện tích canh tác. Chính vì vậy, các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt nên tập trung vào các hoạt động đào tạo, tập huấn, mở rộng diện tích canh tác, cũng như hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo trong quá trình sản xuất.

Từ khóa: hiệu quả kinh tế, hồng không hạt, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

1. Đặt vấn đề

Hồng không hạt Quản Bạ là giống hồng địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bảo tồn, nhân giống và phát triển. Với điều kiện địa lý đặc thù của Quản Bạ rất thuận lợi cho hồng không hạt sinh trưởng phát triển, cho năng suất cao và chất lượng tốt để quả có chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản... (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (2015). Bên cạnh đó, cây hồng không hạt ở huyện Quản Bạ còn được biết đến là cây có tính rải vụ cao, thịt quả chắc, dễ bảo quản và vận chuyển đi xa. Chính vì vậy, quả hồng không hạt của Hà Giang có tiềm năng tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao (Hà Tiết Cung và Cs, 2018).

Theo Chi cục Thống kê huyện Quản Bạ (2023), hồng không hạt Quản Bạ của tỉnh Hà Giang có chất lượng đặc biệt so với các sản phẩm cùng loại và là cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế của huyện Quản Bạ, với diện tích 291,45 ha (năm 2022), được trồng tập trung ở các xã Nghĩa Thuận, Tam Sơn, Thanh Vân, Quản Bạ,... Trong đó, xã Nghĩa Thuận được coi là vùng lõi của sản xuất hồng Quản Bạ (có những cây hồng trên 100 tuổi).

Sau nhiều năm triển khai các Nghị quyết của Huyện (Huyện ủy huyện Quản Bạ, 2020), các Chương trình, Đề án về phát triển cây hồng không hạt, diện tích và sản lượng hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ tăng nhanh, dẫn tới lượng cung sản phẩm dư thừa so với lượng cầu sản phẩm. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra rằng cây hồng không hạt trên địa bàn Huyện có còn đạt được hiệu quả kinh tế hay không? Những yếu tố nào tác động tới hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Xuất phát từ thực tế trên, nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang được triển khai nhằm chỉ ra được hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt và phân tích được các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế của các hộ trồng hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp chọn điểm nghiên cứu

Trên địa bàn huyện Quản Bạ có 5 xã có diện tích và số hộ sản xuất hồng không hạt lớn, bao gồm: Nghĩa Thuận, Tam Sơn, Thanh Vân, Quản Bạ và Bát Đại Sơn. Trong đó, tại xã Bát Đại Sơn là xã mới trồng hồng với diện tích là 9,7 ha vào năm 2021 và 2022, chưa cho thu hoạch. Do vậy, trên cơ sở mục tiêu đã xác định, nghiên cứu đã chọn ra 3 xã và 1 thị trấn làm đại diện để nghiên cứu, đó là các Nghĩa Thuận, Thanh Vân, Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn, bởi vì đây là 4 điểm có diện tích và số hộ trồng hồng không hạt cao nhất so với các đơn vị còn lại.  

2.2. Phương pháp chọn mẫu điều tra

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng chọn ra 84 hộ trồng hồng không hạt để tiến hành khảo sát số liệu. Trong đó, xã Nghĩa Thuận có 22 hộ, thị trấn Tam Sơn 24 hộ, xã Thanh Vân 23 hộ và 15 hộ ở xã Quản Bạ.

2.3. Phương pháp xử lý dữ liệu

Dữ liệu sau khi thu thập được làm sạch, xử lý và phân tích bằng SPSS và Excel. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng, thông qua các chỉ tiêu như số bình quân, số tương đối và độ lệch chuẩn, nhằm phản ánh thông tin về sản xuất hồng của các hộ.

Phương pháp hồi quy đa biến được áp dụng để ước lượng ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế của các hộ sản xuất hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ. Cụ thể, mô hình hồi quy được thể hiện như sau:

Yi = β0 + β1X1 + β2X2 +…+ βnXn + εi

Trong đó, Yi là biến phản ánh các chỉ tiêu liên quan đến hiệu quả kinh tế như GO/IC; VA/IC; GO/LĐ; VA/LĐ. X1, X2,..., Xn là các biến biểu thị các đặc điểm của hộ như tuổi của chủ hộ, giáo dục, quy mô hộ, loại hộ, diện tích sản xuất, và tiếp cận vốn.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Hiệu quả kinh tế các hộ hồng không hạt tại huyện Quản Bạ

3.1.1. Thông tin chung về các hộ sản xuất hồng không hạt

Qua kết quả khảo sát thực tế, các thông tin chung về các hộ trồng hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ được thu thập bao gồm: thông tin về tuổi, trình độ, số lượng nhân khẩu của hộ, loại hộ, diện tích trồng, tiếp cận nguồn vốn,… Kết quả khảo sát cho thấy: Độ tuổi bình quân 41,60 tuổi, với nhiều năm kinh nghiệm trong canh tác. Trình độ học vấn và chuyên môn có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, trong đó 59,52% chủ hộ có trình độ cấp I, cấp II; 28,57% đạt trình độ trung học phổ thông; và 11,94% chưa học hết tiểu học hoặc mù chữ, gây hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Về chuyên môn, có 10,71% chủ hộ đạt trình độ từ trung cấp trở lên, trong khi 89,29% chưa qua đào tạo. Các hộ có bình quân 5 nhân khẩu, chủ yếu sử dụng lao động gia đình, diện tích trồng trung bình chỉ 0,34 ha/hộ. Đáng chú ý, có 58,00% hộ trồng hồng là hộ nghèo, trong khi có 44,00% tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, tạo rào cản cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế của cây hồng.

3.1.2. Chi phí sản xuất hồng không hạt của các hộ

Chi phí sản xuất trong sản xuất hồng của các hộ bao gồm các chi phí liên quan đến lao động, giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Bảng 1. Chi phí sản xuất hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ

STT

Khoản mục CP

Thị trấn Tam Sơn

Xã Nghĩa Thuận

Xã Thanh Vân

Xã Quản Bạ

I

Chi phí vật tư (1000đ/ha)

16.559,01

17.730,46

16.377,95

15.880,81

1

Phân chuồng

11.784,08

12.306,30

12.622,60

11.823,83

2

Phân vô cơ

4.761,60

5.362,31

3.709,90

3.997,68

3

Thuốc bảo vệ thực vật

13,33

61,86

45,46

59,30

II

Chi phí lao động (1000đ/ha)

47.156,65

43.666,46

45.326,27

38.130,60

1

Làm đất

8.943,54

7.111,71

7.011,14

7.386,57

2

Trồng và chăm sóc

30.020,28

26.605,40

28.396,34

21.295,32

3

Thu hoạch

5.482,74

6.750,46

6.882,57

6.442,47

4

Tiêu thụ

2.710,09

3.198,90

3.036,22

3.006,24

III

Tổng chi phí (1000đ/ha)

63.715,66

61.396,93

61.704,22

54.011,41

                                                       Nguồn: Tính toán từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả

Trong sản xuất hồng không hạt, chi phí vật tư chủ yếu là phân chuồng, trong khi phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rất hạn chế. Do đặc thù cây hồng cao, trồng trên vườn đồi và tuân thủ quy trình VietGAP, các hộ hầu như không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng một lượng nhỏ khi cây còn thấp, nên chi phí này rất ít. Về phân bón, các hộ chủ yếu dùng NPK kết hợp với phân chuồng, trong đó phân chuồng được ưu tiên hơn do chi phí thấp và giúp cải thiện đất, nâng cao năng suất và chất lượng quả. Xét về tổng chi phí, các hộ ở thị trấn Tam Sơn có mức chi cao nhất, trong khi thấp nhất là xã Quản Bạ, chủ yếu do chi phí lao động ở Tam Sơn cao hơn so với các địa phương khác.

3.1.3. Kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế sản xuất hồng không hạt ở huyện Quản Bạ

Kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của các hộ sản xuất hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ được đánh giá, phân tích thông qua các chỉ tiêu liên quan đến hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng lao động và đất đai. Kết quả phân tích được mô tả chi tiết trong Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của các hộ sản xuất

hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ

                                                                                                                        ĐVT: Đồng

Chỉ tiêu

Thị trấn

Tam Sơn

Nghĩa Thuận

Thanh Vân

Quản Bạ

Giá trị sản xuất (GO)

90.864,76

136.185,71

112.828,57

133.512,86

1. Chi phí trung gian (IC)

16.449,57

23.994,48

20.953,24

19.975,62

 2. Giá trị gia tăng (VA)

74.415,19

112.191,23

91.875,33

113.537,24

Một số chỉ tiêu HQKT

 

 

 

 

GO/IC (lần)

5,52

5,98

5,72

6,60

VA/IC (lần)

4,52

4,98

4,72

5,60

GO/LĐ (lần)

7,80

8,55

8,10

9,43

VA/LĐ (lần)

6,41

7,11

6,69

8,01

GO/ha

319.829,22

337.650,24

328.100,52

352.584,33

VA/ha

256.113,57

276.253,31

266.396,29

298.572,92

                                                        Nguồn: Tính toán từ kết quả khảo sát của nhóm tác giả

* Hiệu quả sản xuất hồng không hạt của các hộ tính trên chi phí trung gian

Hiệu quả sản xuất hồng không hạt trên mỗi đồng chi phí trung gian được đánh giá qua các chỉ tiêu GO/IC và VA/IC, phản ánh giá trị sản xuất và giá trị gia tăng tạo ra. Chỉ tiêu này càng cao, hiệu quả đầu tư càng lớn. Kết quả phân tích cho thấy xã Quản Bạ có giá trị sản xuất trên mỗi đồng chi phí trung gian cao nhất, đạt 6,60 đồng, cao hơn xã Thanh Vân 0,88 đồng và xã Nghĩa Thuận 0,62 đồng. Trong khi đó, thị trấn Tam Sơn có chỉ tiêu này thấp nhất trong các vùng nghiên cứu.

Bên cạnh đó, giá trị gia tăng tính trên mỗi đồng chi phí trung gian cũng cao nhất ở xã Quản Bạ (với 5,60 đồng), trong khi giá trị này cũng thấp nhất đối với các hộ ở thị trấn Tam Sơn (4,52 đồng). Do đó, xét về hiệu quả sử dụng vốn, có thấy các hộ sản xuất hồng không hạt ở xã Quản Bạ sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, tiếp theo đến xã Nghĩa Thuận và xã Thanh Vân và thấp nhất là thị trấn Tam Sơn.

* Hiệu quả của các hộ sản xuất hồng không hạt tính trên mỗi đồng chi phí lao động

Hiệu quả sản xuất hồng không hạt trên mỗi đồng chi phí lao động được đánh giá qua chỉ tiêu GO/LĐ và VA/LĐ. Kết quả phân tích cho thấy, xã Quản Bạ đạt hiệu quả cao nhất - với 9,43 đồng giá trị sản xuất và 8,01 đồng giá trị gia tăng trên mỗi đồng chi phí lao động. Tiếp theo là xã Nghĩa Thuận với 8,55 đồng và 7,11 đồng tương ứng. Trong khi đó, thị trấn Tam Sơn có hiệu quả thấp nhất, chỉ đạt 7,80 đồng giá trị sản xuất và 6,41 đồng giá trị gia tăng, thấp nhất trong 4 vùng nghiên cứu.

* Hiệu quả sản xuất hồng không hạt tính trên diện tích đất sản xuất

Chỉ tiêu GO/ha và VA/ha phản ánh giá trị sản xuất và giá trị gia tăng trên mỗi ha trồng hồng không hạt, giúp đề xuất khuyến nghị phù hợp cho người dân. Kết quả phân tích cho thấy, xã Quản Bạ có hiệu quả cao nhất, tiếp đến là xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân và thấp nhất là thị trấn Tam Sơn. Cụ thể, mỗi hecta ở Quản Bạ tạo ra 352.584,33 ngàn đồng giá trị sản xuất và 298.572,92 ngàn đồng giá trị gia tăng, cao hơn Nghĩa Thuận lần lượt 14.934,09 ngàn đồng và 22.319,61 ngàn đồng. Thị trấn Tam Sơn có hiệu quả trên mỗi hecta thấp nhất trong 4 vùng nghiên cứu.

Hiệu quả sản xuất hồng không hạt ở thị trấn Tam Sơn thấp nhất do các hộ sử dụng chi phí trung gian cao hơn, bao gồm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, phân chuồng, chi phí thuê lao động,… Đồng thời, diện tích canh tác chưa đủ lớn để tạo ra sự khác biệt rõ rệt về năng suất so với chi phí đầu tư.

3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến trồng hồng không hạt tại huyện Quản Bạ

Nghiên cứu đã sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá tác động của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế của hộ trồng hồng không hạt, với 4 biến phụ thuộc gồm GO/IC, VA/IC, GO/LĐ và VA/LĐ. Các biến độc lập đưa vào mô hình bao gồm tuổi chủ hộ, giáo dục, quy mô hộ, loại hộ, diện tích sản xuất và khả năng tiếp cận vốn.

Kết quả phân tích thống kê mô tả các biến trong mô hình hồi quy được thể hiện chi tiết trong Bảng 3.

Bảng 3 cho thấy, tuổi bình quân của các chủ hộ là 41 tuổi, với số năm đến trường trung bình cũng đạt 7,6 năm. Quy mô nhân khẩu trung bình của các hộ trồng hồng không hạt là 5 khẩu/hộ. Tuy nhiên, diện tích đất để sản xuất hồng của các hộ vẫn hạn chế, mới đạt trung bình 0,34 ha/hộ.

Để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các hộ trồng hồng không hạt, nghiên cứu chạy 4 mô hình hồi quy tương ứng với 4 biến phụ thuộc, đó là: GO/IC; VA/IC; GO/LĐ; VA/LĐ. Cụ thể, kết quả chạy mô hình được thể hiện qua Bảng 4.

Chú thích: *, ** và *** tương ứng với mức ý nghĩa là 90%, 95% và 99%

Mô hình (1) tương ứng với biến phụ thuộc Y là GO/IC; Mô hình (2) tương ứng với biến phụ thuộc Y là VA/IC; Mô hình (3) tương ứng với biến phụ thuộc Y là GO/LĐ; Mô hình (4) tương ứng với biến phụ thuộc Y là VA/LĐ.

Bảng 4 cho thấy hiệu quả kinh tế của các hộ trồng hồng không hạt tại huyện Quản Bạ chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: giáo dục, loại hộ và diện tích canh tác. Trong đó, trình độ giáo dục, bao gồm trình độ văn hóa và chuyên môn, tác động tích cực đến các chỉ tiêu VA/IC, GO/LĐ và VA/LĐ với mức ý nghĩa 95% và 90%. Nghĩa là các hộ có trình độ giáo dục cao thường đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn nhờ khả năng áp dụng kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Biến loại hộ cho thấy sự khác biệt trong tác động đến hiệu quả sản xuất. Cụ thể, hộ nghèo có xu hướng đạt hiệu quả cao hơn đối với chỉ tiêu GO/IC và VA/IC ở mức ý nghĩa 90%. Điều này do trồng hồng không hạt là nguồn thu nhập chính, góp phần giảm nghèo bền vững. Ngược lại, các hộ khá đạt hiệu quả cao hơn tính trên lao động. Mặc dù hồng không hạt mang lại thu nhập tốt, nhưng đa số hộ trồng hồng vẫn là hộ nghèo (58%), phản ánh tỷ lệ hộ nghèo cao trong huyện (62% theo chuẩn nghèo đa chiều mới). Ngoài ra, sản xuất hồng chưa mang tính chuyên canh, diện tích canh tác còn nhỏ lẻ và phân tán.

Biến diện tích sản xuất có tác động rất lớn đối với hiệu quả kinh tế của các hộ trồng hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ. Cụ thể, qua kết quả chạy mô hình cho thấy, biến này tác động tích cực tới các chỉ tiêu liên quan đến GO/IC; VA/IC; và VA/LĐ, đều ở mức ý nghĩa 99%. Điều này chứng tỏ, các hộ có diện tích sản xuất hồng không hạt càng lớn thì hiệu quả tạo ra càng cao. Thực tế cho thấy, giá trị tạo ra trên mỗi đơn vị diện tích hồng không hạt rất cao so với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của diện tích canh tác tới hiệu quả kinh tế của cây hồng không hạt cũng được chỉ ra bởi nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bích Hồng và Cs (2019). Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất, huyện Quản Bạ cần tính đến phương án mở rộng diện tích trồng, giảm diện tích manh mún, nhỏ lẻ và đưa cây hồng không hạt thành cây trồng mũi nhọn giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn.

4. Kết luận

Nghiên cứu về hiệu quả kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của hộ trồng hồng không hạt tại 4 vùng (thị trấn Tam Sơn, xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân và xã Quản Bạ) đã cho thấy cây hồng không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mỗi đồng chi phí trung gian tạo ra 5,96 đồng giá trị sản xuất và 4,96 đồng giá trị gia tăng, trong khi giá trị gia tăng trên mỗi chi phí lao động đạt 7,05 đồng. Xét theo địa bàn, xã Quản Bạ có hiệu quả kinh tế cao nhất, tiếp theo là xã Nghĩa Thuận, xã Thanh Vân và thấp nhất là thị trấn Tam Sơn.

Kết quả phân tích cũng cho thấy hiệu quả kinh tế của các hộ trồng hồng không hạt chịu tác động của 3 yếu tố: giáo dục, loại hộ và diện tích canh tác. Dựa trên những yếu tố này, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế như quy hoạch mở rộng vùng trồng theo hướng liên kết chuỗi, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao công nghệ, đồng thời tăng cường hỗ trợ và khả năng tiếp cận vốn cho các hộ nghèo trên địa bàn Huyện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hà Tiết Cung, Hà Quang Thưởng, Vũ Ngọc Tú, Há Thị Hồng Ngân, Hán Thị Hồng Xuân và Đỗ Thế Việt (2018). Kết quả nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đốn cải tạo trên giống hồng không hạt Hà Giang. Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 10 (95), 44-47.

2. Chi cục Thống kê huyện Quản Bạ (2023). Niên giám thống kê huyện Quản Bạ 2022. tỉnhHà Giang.

3. Nguyễn Bích Hồng và Phạm Thị Hồng (2019). Hiệu quả kinh tế của sản xuất hồng không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Tạp chí Kinh tế và Quản trị kinh doanh, 9, 26-34.

4. Huyện ủy huyện Quản Bạ (2020). Nghị quyết về phát triển cây hồng không hạt, giai đoạn 2021- 2025, tr 1-2.

5. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (2015). Xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Quản Bạ” dùng cho sản phẩm hồng không hạt của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Hà Nội, 4-5.

The economic efficiency of seedless persimmon cultivation in Quan Ba district,

Ha Giang province

Vu Thi Hien¹

Nguyen Thi Giang¹

Vu Van Hoc²

¹Thai Nguyen University of Agriculture and Forestry

²Department of Natural Resources and Environment, Quan Ba district, Ha Giang province

Abstract:

This study evaluates the economic efficiency of seedless persimmon cultivation and identifies key factors influencing its effectiveness in Quan Ba district, Ha Giang province. Data were collected from 84 farming households across the region. The findings reveal that farmers in Quan Ba commune demonstrated the highest economic returns across all assessed criteria. Additionally, economic efficiency is significantly affected by three main factors: educational attainment, household classification, and cultivated land area. Based on these insights, the study recommends policies that prioritize farmer training, land area expansion, and targeted support for disadvantaged households to enhance production capacity and improve the overall efficiency of seedless persimmon farming.

Keywords: economic efficiency, seedless persimmon, Quan Ba district, Ha Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2025]

Tạp chí Công Thương