TÓM TẮT:
Bài báo nghiên cứu thực trạng thuế điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 theo các khía cạnh: văn bản, chính sách; bộ máy quản lý; tuyên truyền hỗ trợ; kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, kiểm tra và thanh tra thuế điện tử. Đồng thời, bài báo cũng phân tích thực trạng tuân thủ thuế của các doanh nghiệp (DN) khi áp dụng thuế điện tử, bao gồm: tuân thủ kê khai thuế, nộp thuế và báo cáo thuế. Từ đó, nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm trong áp dụng thuế điện tử nhằm nâng cao tuân thủ thuế của các DN trong thời gian tới.
Từ khóa: thuế điện tử, tuân thủ thuế, doanh nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020.
1. Đặt vấn đề
Thuế được coi là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, là công cụ quan trọng để nhà nước điều tiết nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy đầu tư, kiềm chế lạm phát, bảo hộ nền sản xuất trong nước, hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, phân phối lại của cải, thu nhập trong xã hội. Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế (Quốc hội, 2019). Do đó, tuân thủ thuế là điều tối quan trọng đối với chính phủ mỗi quốc gia, bởi khi người nộp thuế tuân thủ và nộp đủ số tiền thuế đúng hạn thì Chính phủ mới có thể đảm bảo ngân sách để cung cấp những hàng hóa công cộng và phân bổ nguồn lực hợp lý (Night & Bananuka 2018).
Hiện nay, rất nhiều quốc gia đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thu. Từ đó đã hình thành và phát triển nên hệ thống thuế điện tử và việc áp dụng thuế điện tử đã trở thành phổ biến đối với cả cơ quan thuế và các doanh nghiệp (DN) trong thực hiện nghĩa vụ về thuế. Việc áp dụng thuế điện tử không chỉ giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho các DN, mà còn cải thiện mức độ tuân thủ (Night & Bananuka 2018). Nghiên cứu của Motwani và cộng sự (2015) đã khẳng định việc áp dụng thuế điện tử thông qua kê khai thuế điện tử và thanh toán thuế điện tử làm tăng tính tuân thủ thuế. Tương tự, kết quả nghiên cứu về tuân thủ thuế của Muturi và Kiarie (2015) cũng chỉ ra rằng có việc áp dụng thuế điện tử thông qua đăng ký thuế điện tử, khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử có tác động mạnh mẽ và tích cực tới tuân thủ thuế của người nộp thuế.
Trên cơ sở đó, bài báo này nghiên cứu thực trạng thuế điện tử ở Việt Nam theo các khía cạnh: văn bản, chính sách; bộ máy quản lý; tuyên truyền hỗ trợ; kê khai thuế điện tử; nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; kiểm tra, thanh tra thuế điện tử. Đồng thời, phân tích thực trạng tuân thủ thuế của các DN trong bối cảnh áp dụng thuế điện tử; từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm trong áp dụng thuế điện tử nhằm nâng cao tuân thủ thuế của các DN.
2. Thực trạng thuế điện tử ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020
2.1. Thực trạng văn bản, chính sách thuế
Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về thuế và thu ngân sách đã được hoàn thiện theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí và lệ phí; đảm bảo công bằng và mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế, nhờ đó đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực cho ngân sách nhà nước.
Thứ hai, hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và có sự chuyển dịch đóng góp số thu từ khu vực DN nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung dựa trên chương trình cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, các chính sách thu liên tục được rà soát, điều chỉnh theoo hướng giảm tỉ lệ động viên về thuế cho người nộp thuế với quy mô điều chỉnh lớn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
2.2. Thực trạng tổ chức bộ máy quản lý thuế
Bộ máy tổ chức quản lý thuế hiện hành được chia thành 3 cấp, từ Tổng cục Thuế ở cấp Trung ương, Cục thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đến các Chi cục thuế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố (Quốc hội, 2019).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục Thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. Theo đó, mô hình mới của ngành Thuế đã gọn nhẹ, số lượng Chi cục thuế giảm từ 711 xuống còn 415 Chi cục sau khi hợp nhất. Số lượng các khâu quản lý thuế giảm được 2.756 đầu mối không cần thiết, số cán bộ thuế phục vụ gián tiếp giảm trên 850 người (Tổng cục Thuế, 2020).
Bên cạnh đó, đã thực hiện luân phiên, luân chuyển công việc nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ, nhất là năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của cán bộ lãnh đạo cơ quan thuế đối với 16.371 cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 7.490 lượt cán bộ. Toàn ngành Thuế đã có gần 40.000 lượt người (chiếm trên 90% biên chế) được đào tạo và đào tạo lại theo hướng chuyên sâu, đảm bảo có năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới (Tổng cục Thuế, 2020).
2.3. Thực trạng tuyên truyền và hỗ trợ
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động tuyên truyền đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đó là: đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người nộp thuế. Đặc biệt, cơ quan Thuế đã phối hợp với một số tổ chức như Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, trường học; phối hợp với các phương tiện truyền thông như báo, tạp chí in, báo mạng điện tử, đài phát thanh, truyền hình,... để tuyên truyền rộng rãi tới nhiều đối tượng trong xã hội. Một điểm sáng trong công tác tuyên truyền đó là hình thức tuyên truyền điện tử: qua email, qua trang thông tin điện tử ngành Thuế để người nộp thuế biết và tăng cường thực thi pháp luật của các công chức thuế.
Về hỗ trợ DN, đã có rất nhiều hình thức hỗ trợ được triển khai, như: hỗ trợ trực tiếp qua bộ phận "một cửa" tại cơ quan thuế các cấp; hỗ trợ bằng văn bản, bằng điện thoại, bằng thư điện tử; hỗ trợ thông qua định kì tổ chức các hội nghị đối thoại, tổ chức tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế, tổ chức tuần lễ hỗ trợ người nộp thuế giải đáp các vấn đề thường gặp với các sắc thuế, phí, lệ phí,... và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục thuế và các Cục thuế. Trong đó, hoạt động hỗ trợ qua website là một kênh hỗ trợ vô cùng hiệu quả cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ về thuế. Ngoài ra, ngành Thuế rất chú trọng đến việc hỗ trợ cho các DN thông qua chương trình "đồng hành cùng DN khởi nghiệp" trên phạm vi cả nước.
2.4. Thực trạng quản lý kê khai thuế điện tử
Hiện nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến ngày 30/06/2020, đã có 778.494 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,8% DN đang hoạt động; có 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối NTĐT với Tổng cục Thuế) và 63 Cục Thuế triển khai Dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ.
Đến hết năm 2020, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống Dịch vụ thuế điện tử thay thế cho hệ thống khai nộp thuế qua mạng tại 30 tỉnh, thành phố. Tổng cục Thuế đã kết nối dữ liệu thành công với 7 Ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, AgriBank, BIDV, MBBank, VPBank, TPBank) để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân. Đến nay, ngành Thuế đã thực hiện triển khai kết nối mạng trao đổi thông tin với các ngành, như: Kho bạc, Hải quan, Dự trữ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông,...
Ngoài ra, ngành Thuế đã triển khai và vận hành ứng dụng Quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với 210 báo cáo tĩnh, 20 báo cáo động và đã phân quyền user cho 2.284 người sử dụng. Đã có hơn 42.000 lượt báo cáo đã được khai thác phục vụ các công việc liên quan.
2.5. Thực trạng quản lý nộp thuế điện tử
Tính đến năm 2016, đã có 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Số DN đăng ký sử dụng dịch vụ tăng lên nhanh chóng đạt 555.000 DN. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là 33,4 triệu hồ sơ. Tỷ lệ DN hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử là 97.06%. Số lượt giao dịch điện tử đạt 2,2 triệu lượt.
Đến giữa năm 2017, đã có hơn 2 triệu giao dịch nộp thuế điện tử đã thực hiện thành công. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai trên tất cả các tỉnh, thành phố, thu hút hơn 546 nghìn DN tham gia. Tổng cục Thuế cũng đã ký thỏa thuận với 41 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử.
Đến cuối năm 2018, việc triển khai nộp thuế điện tử của cơ quan thuế qua kênh ngân hàng thương mại đã phát triển kết nối tới 50 ngân hàng thương mại. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,19%. Các DN đã nộp thuế thông qua hơn 3,2 triệu giao dịch nộp thuế điện tử, với tống số hơn 658 nghìn tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, đã có 734.019 DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99,4%. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 726.946 DN. Số tiền thuế nộp thông qua phương thức điện tử là 433.399 tỷ đồng.
Năm 2020, đã ghi nhận 790.924 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,65% DN đang hoạt động. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế với cơ quan thuế là 778.093 DN. Các DN đã thực hiện 2.406.122 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 454.055 tỷ đồng và 24.775.058 USD.
2.6. Thực trạng quản lý hoàn thuế điện tử
Năm 2016, Tổng cục Thuế đang tiếp tục giám sát 251 hồ sơ với tổng số tiền thuế GTGT đề xuất hoàn là 1.532,15 tỷ đồng. Bước đầu Tổng cục Thuế đã thực hiện thanh tra 12 DN có số hoàn thuế trên 99 tỷ đồng, xử lý thu hồi hoàn trên 723 tỷ đồng; các Cục Thuế địa phương đã thực hiện thanh tra sau hoàn đối với 7.486 hồ sơ, số tiền truy hoàn và phạt là 342,68 tỷ đồng.
Năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 18.586 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 97.155,2 tỷ đồng. Năm 2018, toàn ngành Thuế đã ban hành 20.220 quyết định hoàn thuế theo pháp luật thuế GTGT với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 112.373 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc phân loại hồ sơ giải quyết hoàn thuế được thực hiện theo đúng quy định và trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro đã cho kết quả về số hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau đạt tỷ lệ 78,74% tổng số hồ sơ hoàn thuế GTGT.
Năm 2019, ngành Thuế tập trung tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Năm 2020, cơ quan thuế đã ban hành 22.481 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 137.090,7 tỷ đồng. Trong đó, hoàn cho xuất khẩu là 19.785 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 106.426,38 tỷ đồng; hoàn cho dự án đầu tư là 1.730 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 30.042,39 tỷ đồng; hoàn cho trường hợp khác là 966 quyết định với tổng số tiền được hoàn là 621,9 tỷ đồng.
2.7. Thực trạng kiểm tra, thanh tra thuế điện tử
Tổng cục Thuế đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tuân thủ của người nộp thuế trên cơ sở ứng dụng CNTT. Trên cơ sở nguồn dữ liệu về người nộp thuế, cơ quan thuế đã đẩy mạnh áp dụng CNTT để kiểm tra các hồ sơ khai thuế nhằm phát hiện ngay những sai sót, rủi ro về thuế để hướng dẫn, yêu cầu người nộp thuế điều chỉnh, bổ sung số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước, đồng thời có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hành chính về thuế. Bên cạnh đó là chuẩn hóa phương thức trao đổi dữ liệu giữa cơ quan thuế và người nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, qua đó tăng khả năng thu thập, tiếp nhận thông tin đồng thời hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người nộp thuế. Đây là bước đầu chuẩn bị tiền đề cho việc phát triển thanh tra, kiểm tra thuế điện tử theo định hướng mới.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra với số lượng DN trung bình khoảng 91.660 DN. Trong đó, năm 2017 ghi nhận số lượng DN được thanh tra, kiểm tra lớn nhất với 103.211 DN và năm 2020 ghi nhận lượng DN được thanh tra, kiểm tra ít nhất với 83.979 DN. Về tổng số thuế tăng thu sau thanh tra, kiểm tra có sự gia tăng qua các năm, với năm 2016 tăng thu thuế đạt 16.589 tỷ đồng và đến năm 2020, tuy số lượng DN bị thanh tra, kiểm tra là nhỏ nhất.
3. Thực trạng tuân thủ thuế của DN Việt Nam
3.1. Thực trạng tuân thủ kê khai thuế
Nhìn chung, trong giai đoạn 2016 - 2020, tình hình tuân thủ kê khai thuế của các DN được ghi nhận ở mức rất cao với tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp trung bình cao hơn 96% (2017 - 2020), duy nhất tại năm 2016 thì tỷ lệ này chỉ đạt 93%. Về tiêu chí tỷ lệ hồ sơ khai thuế đã nộp đúng hạn/số tờ khai thuế đã nộp cũng ghi nhận ở mức độ rất cao (hầu hết trên 95% trừ năm 2017 là 93%) và duy trì ổn định qua các năm.
Đến nay, đã có 99,93% số DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm là trên 11,8 triệu hồ sơ. Việc triển khai nộp thuế điện tử của cơ quan thuế qua kênh ngân hàng thương mại đã phát triển kết nối tới 50 ngân hàng thương mại. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 772.548 DN, đạt 99% trên tổng số DN đang hoạt động.
3.2. Thực trạng tuân thủ nộp thuế
Tính đến năm 2020, tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu ngành Thuế quản lý là 7,4%. Lũy kế tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ thu nợ đạt 90,8% nợ có khả năng thu hồi tại thời điểm ngày 31/12/2018 đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, sang năm 2020, do tác động của thiên tai và dịch bệnh Covid-19, nên lũy kế tính đến thời điểm ngày 31/12/2020 thu đạt 28.470 tỷ đồng, đạt 67,3% nợ có khả năng thu hồi tại ngày 31/12/2019. (Bảng 1)
Bảng 1. Tình hình tuân thủ thanh toán thuế của các DN
Đơn vị: %, tỷ đồng
Các khoản thuế |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Tiền thuế nợ |
72.405 |
73.145 |
75.805 |
80.830 |
89.796 |
Tiền thuế nợ không có khả năng thu |
16.037 |
31.469 |
36.511 |
40.228 |
28.127 |
Tiền thu nợ đọng |
42.075 |
44.773 |
32.055 |
35.200 |
28.476 |
Nguồn: Tổng cục Thuế
3.3. Thực trạng tuân thủ báo cáo thuế
Thực trạng tuân thủ báo cáo thuế của DN giai đoạn 2016 - 2020 qua các năm như sau:
Năm 2016: Tổng số DN được thanh tra, kiểm tra là 84.472 DN, đạt 94,2% kế hoạch năm 2016; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.164 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.907 tỷ đồng.
Năm 2017: Tổng số DN được thanh tra, kiểm tra là 103.211 DN, đạt 113,65% kế hoạch năm 2017; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 19.048,66 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.838 tỷ đồng; giảm lỗ là 37.606 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 15.437,5 tỷ đồng đạt 81,04% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Năm 2018: Tổng số DN được thanh tra, kiểm tra là 90.394 DN, đạt 100,81% kế hoạch năm 2018; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.978 tỷ đồng; giảm lỗ là 34.411 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 12.286,5 tỷ đồng đạt 71,01% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Năm 2019: Tổng số DN được thanh tra, kiểm tra là 96.243 DN, đạt 109,7% kế hoạch năm 2019; kiểm tra được 517.554 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.525 tỷ đồng.
Năm 2020: Tổng số DN được thanh tra, kiểm tra là 83.979 DN, đạt 90,82% kế hoạch năm 2020 (83.979 DN/92.471 DN); kiểm tra được 804.590 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 71.876,66 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 19.867,14 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.248,8 tỷ đồng; giảm lỗ là 49.760,72 tỷ đồng.
4. Bài học kinh nghiệm rút ra đối với áp dụng thuế điện tử nhằm nâng cao tuân thủ thuế của các DN Việt Nam
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thuế đồng thời đảm bảo tính công khai, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện trong các hoạt động đăng ký, kê khai, nộp và hoàn thuế. Song song với đó, thiết lập các dịch vụ hỗ trợ tích hợp với công nghệ, có tính kết nối và tự động hóa cao nhằm giúp DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Thứ hai, đẩy mạnh áp dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật về thuế. Ví dụ, gửi các thông báo về chính sách thuế/nghĩa vụ thuế tới các đối tượng liên quan thông qua tài khoản email, zalo hoặc qua tin nhắn SMS. Ngoài ra, có thể đưa các nội dung pháp luật về thuế, nghĩa vụ về thuế của công dân vào chương trình đào tạo tại các trường học, các cơ sở đào tạo,... nhằm hình thành nhận thức về thuế, từ đó định hướng hành vi tuân thủ thuế trong tương lai.
Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế tích hợp với CNTT để đảm bảo các khâu, các bước được tiến hành nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả không chỉ với cán bộ thuế mà còn đối với các DN. Việc ứng dụng công nghệ một mặt sẽ hạn chế áp lực cho người nộp thuế, hạn chế những phát sinh tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Mặt khác, sẽ góp phần đồng bộ hệ thống thuế điện tử để tiến tới điện tử hóa ở tất cả các khâu trong quá trình quản lý thuế.
Thứ tư, tập trung đẩy mạnh và phát triển các dịch vụ hỗ trợ DN trong thực hiện nghĩa vụ về thuế thông qua chú trọng đầu tư phát triển CNTT của ngành Thuế. Với sự có mặt của CNTT, các dịch vụ hỗ trợ có thể giúp cho DN trong hầu hết các bước, như: đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế thuế, nhận thông báo thuế qua mạng điện tử, khai thác thông tin, hỏi đáp các vướng mắc,... thông qua hệ thống trực tuyến (online).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Muturi, HM và Kiarie, N (2015), ‘Effects of online tax system on tax compliance among small taxpayers in Meru County, Kenya’, International Journal of Economics, Commerce and Management, 3 (12), 280-297.
- Night, S. and Bananuka, J (2018), ‘The mediating role of adoption of an electronic tax system in the relationship between attitude towards electronic tax system and tax compliance’, Journal of Economics, Finance and Administrative Science, 25 (49), 73-88. DOI: https://doi.org/10.1108/JEFAS-07-2018-0066.
- Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế, Hà Nội.
- Tổng cục Thuế (2016), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2016, Hà Nội.
- Tổng cục Thuế (2017), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2017, Hà Nội.
- Tổng cục Thuế (2018), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2018, Hà Nội.
- Tổng cục Thuế (2019), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2019, Hà Nội.
- Tổng cục Thuế (2020), Báo cáo tổng kết công tác thuế năm 2020, Hà Nội.
The electronic tax and the tax compliance of Vietnamese enterprises: The situation in the 2016 - 2020 period and lessons learnt
Ph.D student, Master. Mac Thi Hai Yen
Lecturer, Faculty of Management Science, National Economics University
ABSTRACT:
This paper investigates the current situation of electronic tax in Vietnam in terms of documents; policies; management apparatus; propaganda & support; declaration, payment, refund, and inspection of electronic tax. In addition, the paper also analyzes the tax compliance of enterprises when they use the electronic tax, including tax declaration compliance, tax payment compliance, and tax reporting compliance. Based on the paper’s findings, some lessons learnt are concluded in order to improve the tax compliance of enterprises in the coming time.
Keywords: electronic tax, tax compliance, Vietnamese enterprises, 2016 – 2020 period.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 4 năm 2022]