Mỹ - 11%
Đó là vì việc đánh thuế này không gây ảnh hưởng quá nhiều tới các doanh nghiệp trong nước. Thị trường Mỹ hiện không chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp thép Việt. Theo ước tính, cả Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG), hai doanh nghiệp tiên phong trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2016 đều không quá 5% tổng sản lượng tại thị trường này bởi quy mô đơn đặt hàng, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng đều không thuận lợi. Cho nên hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ đối với các doanh nghiệp này chỉ nhằm mục đích tìm hiểu thị trường và hỗ trợ đẩy sản lượng tiêu thụ.
Báo cáo của hiệp hội thép Việt Nam cho biết năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 4,7 triệu tấn với kim ngạch là 3,2 tỷ USD. 2,4 triệu tấn thép vào các nước khối ASEAN, chiếm 60% tổng lượng xuất khẩu thép. Xuất khẩu sang Mỹ chỉ dừng ở mức 470.000 tấn, chiếm chưa tới 11% tổng lượng xuất khẩu, thị trường EU chiếm 9%. Như vậy, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép của Việt Nam nếu không còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì trong hoạt động, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan.
Tư duy mới trong cách quản trị
Ở chiều ngược lại, việc áp thuế này là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa và cần phải có những tư duy mới trong cách quản trị.
Nếu nói về giá trị tôn thép Việt xuất khẩu vào Mỹ thì không lớn, chủ yếu rơi vào một vài doanh nghiệp, thế nhưng, ngay cả những doanh nghiệp lớn kia bản chất xuất vào thị trường Mỹ giá trị không lớn, phần nhiều là thép xây dựng. Cho nên về mặt trực tiếp mà nói thì cũng chưa có gì đáng ngại. Đương nhiên ở phạm vi rộng hơn thì bị áp thuế như vậy sẽ có những tác động dội trở lại các doanh nghiệp trong nước do không xuất được hàng sẽ dồn lại trong nước dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong chừng mực đáng kể, cũng sẽ là những lo ngại nhưng không đến nỗi lớn.
Rõ ràng, xu thế bảo hộ của các nước tăng lên và đều có cái hay cái dở riêng. Quyết định áp thuế thép và nhôm này cũng được nhiều người cho là đi ngược với xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, nhưng lật lại vấn đề, sẽ luôn luôn có xung đột giữa lợi ích quốc gia và thương mại tự do. Câu chuyện của ông Donal Trump chính là một điển hình.
Trước kia, nhằm thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động thương mại thì các quốc gia đều hướng đến thương mại quốc tế cho nên rất nhiều hợp tác, hiệp định thương mại được ký kết. Tuy nhiên tình hình kinh tế bây giờ đã đổi khác, mỗi quốc gia đều phải thay đổi lại tư duy trong việc bảo hộ mậu dịch để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như công ăn việc làm của những người đang lao động sản xuất trong các nhà máy, công xưởng. Xu thế như vậy khiến các nước phải điều chỉnh lại chính sách vĩ mô, còn các nhà đầu tư phải tính toán lại bài toán về thị trường, tư duy lại về chính sách, về đầu tư. Có như vậy mới chứng tỏ khả năng thích nghi toàn cầu của mình.
Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam nhận định: Những tác động hiện nay mà việc áp thuế mang lại Việt Nam chỉ là những tác động dội lại do không xuất được thì phải bán trong nước, thêm cạnh tranh. Nhưng với xu thế bảo hộ của các nước ngày càng lên cao cuối cùng chúng ta phải cạnh tranh, mà muốn thắng thì phải xuất sắc nhất trong số cạnh tranh. Mà muốn xuất sắc thì phải thay đổi quản trị, cắt giảm, tái cơ cấu. VNSTEEL cũng phải trở thành một nhà sản xuất mới, sáng tạo, áp dụng các công nghệ mới, cái hiện nay đang mâu thuẫn với tiềm lực kinh tế, mâu thuẫn với lợi ích trước mắt. Tại sao ai cũng sốt ruột, cũng nôn nóng rằng mình đầu tư lâu dài thế thì ai hỗ trợ. Đầu tư cho ngành thép là rất dài hạn, không thể sốt ruột, ngược lại, phải nhìn xa trông rộng. Ngày nay, nắm được tư duy ấy cộng với sự trợ giúp của nền tảng công nghệ mới, xuất sắc hơn hẳn thì mới ăn thua, mới sống được.