Sản xuất các đơn hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Theo Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước, hiện nhu cầu cập nhật kiến thức và tìm hiểu thực tiễn tốt về quản trị của hơn 10.000 thành viên Hội đồng quản trị ở 1.423 doanh nghiệp niêm yết trên cả ba sàn cùng hàng nghìn công ty đại chúng khác đang ngày càng trở nên cấp thiết. Quản trị tốt được đánh giá là “đòn bẩy” để khai thác triệt để những điều kiện thuận lợi trong hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn, cũng như thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp hiệu quả.* Tăng cơ hội tiếp cận vốn
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam cho rằng, hoạt động quản trị công ty tốt có vai trò sống còn để giúp doanh nghiệp tăng trưởng. Đây là giải pháp giúp nâng cao các chuẩn mực quản trị trên thị trường trong nước và cho phép các công ty Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, cải thiện lợi nhuận và tăng cường cơ hội tiếp cận vốn. Đồng thời, giữ vai trò then chốt trong việc cân bằng nền kinh tế tránh rủi ro của các cú sốc bên ngoài khi giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phát huy được hiệu quả kinh doanh.
Ông Lê Thanh Liêm, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk cho hay, doanh nghiệp này luôn cập nhật và áp dụng các mô hình hiện đại, nhất là quản trị công ty cần tổ chức con người nội bộ. Vinamilk đã xây dựng mô hình không còn Ban kiểm soát. Ban kiểm toán thay thế song song với thành lập 4 tiểu Ban; trong đó, 3/4 tiểu ban là thành viên độc lập. Giai đoạn đầu triển khai rất khó khăn vì tìm kiếm thành viên độc lập đáp ứng trình độ chuyên môn, sự đồng thuận cổ đông lớn. Nhưng trong những năm qua, Hội đồng quản trị luôn nhận thức sự thay đổi mô hình quản trị không chỉ thúc đẩy sự phát triển mà hạn chế rủi ro.
Chia sẻ về quản trị công ty sau cổ phần hóa, bà Vũ Thị Thuận, Công ty cổ phần Traphaco mặc dù khi lên sàn có vốn hoá nhỏ nhưng nhờ tăng cường quản trị tốt nên vốn hóa của Traphaco đã tăng mấy trăm lần. Bên cạnh đó, vốn nước ngoài tại Traphaco đã đạt 49%, Nhà nước nắm giữ 35,6%, còn lại là các thành phần khác. Hiện tại, Traphaco tiếp tục hướng đến sự minh bạch trong xuất kinh doanh và quản trị công ty chuyên nghiệp để tạo sức hấp dẫn trên thị trường; trong đó, xác định áp dụng thực thi phát triển bền vững, tạo động lực tốt cho người lao động, niềm tin cho cổ đông…
Ghi nhận thực tế ở nhiều doanh nghiệp, muốn làm tốt công tác quản trị không chỉ cần có sự tham gia của nhà quản lý mà còn cần thúc đẩy cả các thông lệ quốc tế. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần góp tiếng nói phản hồi về cơ chế chính sách, góp phần hình thành hệ thống pháp luật hỗ trợ cải thiện hiệu quả lĩnh vực quản trị công ty. Các bên có thể chia sẻ, đóng góp ý kiến đối với những dự thảo. Việt Nam có nhiều thách thức, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội thúc đẩy cải thiện hoạt động quản trị công ty tốt, tiến gần với thông lệ quốc tế, hài hòa với các nước thông qua sự hỗ trợ của đối tác trong và ngoài nước.
* Giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp
Đánh giá về chặng đường 20 năm, ông Vũ Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho rằng, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp ra đời, sự phát triển của quản trị công ty tại Việt Nam cũng lớn mạnh không ngừng. Từ bỡ ngỡ ban đầu về cổ phần, cổ phiếu, minh bạch thông tin… cho đến những lúng túng trong việc tổ chức Hội đồng quản trị và thực hiên quyền cổ đông. Đến nay, Việt Nam đã khá đầy đủ những quy định về quản trị doanh nghiệp và quy tắc công bố thông tin. Mặt khác, công tác quản trị công ty ở nhiều doanh nghiệp niêm yết đã đi vào nề nếp.
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn rất nhiều thách thức trong quá trình thúc đẩy quản trị công ty hiệu quả, cần những chuyển biến cơ bản về quản trị công ty ở cấp doanh nghiệp. Việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức. So với các nước trong khu vực như Sigapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia... chỉ số về quản trị công ty của Việt Nam vẫn xếp hạng thấp nhất. Đại đa số các công ty vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của quản trị tốt. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và tham gia tích cực của nhiều bên liên quan quan chứ không phải chỉ có Chính phủ, cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, có thể kể đến một số đơn vị đóng vai trò quan trọng như cơ quan quản lý và điều tiết thị trường, công ty kiểm toán, tư vấn luật và chứng khoán, đặc biệt là bản thân Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến Quản trị Công ty Việt Nam và Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ đánh giá, thời gian qua, trên thị trường ghi nhận những thất bại của nhiều doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy, quản trị công ty tốt là vấn đề cấp thiết, quan trọng đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết nhấn mạnh tăng cường quản trị công ty tốt trong doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng… trước khi đi vào cổ phần hóa, không nằm ngoài mục đích hạn chế rủi ro và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý Nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản để tạo môi trường hoạt động thuận lợi cũng như giải pháp hỗ trợ quản trị công ty tốt tại Việt Nam. Thế nhưng, so với mặt bằng các nước trong khu vực vẫn còn cách xa nên cần nhiều nỗ lực hơn.
Còn ở góc độ tổ chức và vận hành thị trường, ông Lê Hải Trà, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) nhận định, muốn thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước phải minh bạch thông tin, quản trị công ty tốt… Chính vì vậy, HOSE nỗ lực nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và truyền tải thông điệp yêu cầu của nhà đầu tư thông qua các thống kê, nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt, trong 11 năm qua, HOSE phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức Bình chọn báo cáo thường niên, gắn với vấn đề quản trị công ty tốt, để từng bước nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đại chúng và công ty niêm yết./.