Theo những cam kết tại EVFTA, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Cụ thể, EU cam kết dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Gạo tấm được xóa bỏ thuế trong 5 năm. Sản phẩm từ gạo được xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.
“Miếng bánh” có thể tăng 4 lần
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU năm 2018 chỉ đạt khoảng 12 triệu USD, tương đương 20.000 tấn. So với tổng lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn của năm ngoái thì xuất khẩu vào châu Âu chiếm một lượng quá khiêm tốn. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này vẫn có mức giảm nhẹ 0,6%.
Nguyên nhân là thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào các nước châu Âu ở mức rất cao, có thể lên đến 50%. Do đó, các nhà nhập khẩu gạo không chọn Việt Nam mà qua các nước khác được ưu đãi thuế ví dụ như Campuchia để mua gạo.
Tuy nhiên, với việc EVFTA được ký kết vừa qua, EU dành cho Việt Nam một hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Cùng với đó, EU cam kết dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Gạo tấm được xóa bỏ thuế trong 5 năm. Sản phẩm từ gạo được xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.
Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tăng xuất khẩu gạo vào châu Âu ngay trong năm 2019 và các năm sắp tới. "Gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn mà EU đưa ra. Với việc thuế về 0% thì xuất khẩu gạo sang thị trường này có thể tăng lên 4 lần so với năm 2018", ông Bình nhận định.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế như gạo nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan. Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, EVFTA chính là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhất. “Tất cả sự cam kết sâu rộng nhất, hầu hết các nhóm thuế đều đưa về 0 trong một lộ trình gần nhất. Một quốc gia chỉ có GDP bình quân đầu người khoảng 2.700 USD/năm như Việt Nam mà dám “chơi” với một ông có thu nhập bình quân đầu người là 55.000 USD/năm, quy mô kinh tế 10.000 tỷ USD. Việt Nam dám chơi một cách công bằng, bình đẳng là một điều đáng tự hào khi đất nước chỉ mới đi lên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Theo Bộ Công thương, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm).
Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực.
Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
Nhưng không dễ xơi
Cơ hội là vậy, tuy nhiên, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cũng cho rằng, thách thức đối với ngành nông nghiệp trong nước cũng là không hề nhỏ khi mà sức cạnh tranh gia tăng vì hàng hóa nhập khẩu được cắt giảm hàng rào thuế quan.
Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu thách thức từ các quy định về vệ sinh dịch tễ (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu. Bởi các quy định này sẽ ngày càng chặt chẽ hơn khi giảm thuế.
Việt Nam sẽ phải đảm bảo việc tuân thủ các quy định khác về vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm xã hội…
“Hộ nông dân quy mô nhỏ, doanh nghiệp manh mún chưa có sự liên kết chặt chẽ hay hệ thống phân phối trong nước thiếu liên kết, công nghiệp dịch vụ cho phát triển nông nghiệp hạn chế cũng là những thách thức thực sự đối với chúng ta”, bà Hạnh chia sẻ.
Đặc biệt với mặt hàng gạo sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan khi vào EU. Gạo Việt Nam sẽ phải vượt qua những khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng, biến đổi khí hậu và nguồn nước từ sông Mekong.