Hội nghị đã tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp trong thời gian gần đây và đưa ra những giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng buôn lậu, nhất là sau khi Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhận xét: Do lợi nhuận buôn bán thuốc lá lậu rất cao, cùng với địa hình vùng biên giới khó kiểm soát, các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí vùng biên giới thấp, đói nghèo thực hiện các hoạt động buôn lậu trái phép. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải nâng cao nhận thức thông qua các kênh tuyên truyền, tích cực vận động người dân, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập bền vững và lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phối hợp cùng các doanh nghiệp chống thuốc lá lậu trong thời gian vừa qua. Phó Thủ tướng lưu ý, cùng với việc kiểm soát chặt các điểm nóng thuộc vùng biên giới, công tác quản lý thị trường bán lẻ cần phải được tăng cường, vì chính những sạp hàng, đại lý là nơi cung cấp thuốc lá lậu đã tạo đầu ra cho thuốc lá nhập lậu tồn tại.
Làm rõ hơn về các vấn đề liên quan, có nhiều ý kiến, trong đó đại diện các Bộ, ngành chức năng trực tiếp chống thuốc lá lậu cho rằng công tác buôn lậu thuốc lá hiện nay rất gian khó, những giải pháp đang thực thi thiếu hiệu quả.
Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: Cần phải có đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá. Đồng thời, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân thấy được tác hại của thuốc lá, vì nếu giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm và đây mới là biện pháp cơ bản nhất. "Việc xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3, không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành nước xuất lậu", ông Lê Mạnh Hà lưu ý về đề xuất của tỉnh Long An.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu: Nên chọn phương án tiêu hủy, vì nếu không tiêu hủy sẽ vi phạm Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đó còn chưa kể chi phí của việc tái xuất rất lớn khi phải thu gom, giám định chất lượng, vận chuyển (việc tái xuất phải sáng nước thứ ba chứ không được đưa sang nước cùng biên giới với Việt Nam)… và chưa chắc nước nào dám nhập thuốc lá tái xuất.
Về ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao: Nếu tái xuất phải kiểm định từng bao thuốc, rất tốn chi phí. Do đó chỉ tiêu hủy mới phù hợp với quy định cũng như tiết kiệm chi phí.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải đề xuất: Nâng mức hỗ trợ cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu thuốc lá; Tăng mức xử lý hình sự đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển tàng trữ thuốc lá lậu. Trong đó căn cứ định tội là số lượng từ 500 bao trở lên, chứ không phải là giá trị hàng phạm pháp tối thiểu; Thực hiện nghiêm cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài; Khen thưởng kịp thời các cá nhân tập thể có thành tích.
Đại diện Bộ Y tế đề nghị: Tiếp tục thực hiện phương án tiêu hủy thuốc lá bị tịch thu. Vì lượng thuốc lá bị bắt giữ có nhiều loại sản phẩm cấp thấp, giá thành rẻ, số tiền thu được do tái xuất thấp hơn số tiền hỗ trợ tiêu hủy.
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Hiện tồn tại nhiều chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật, khiến việc xử lý hình sự buôn lậu thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn. Để tăng cường hiệu quả trong công tác đấu tranh, Hiệp hội đề nghị: Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với các lực lượng chức năng, cùng Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam tích cực triển khai quyết liệt Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ; Đặc biệt cũng cần xử lý nghiêm việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn… Hiệp hội cũng đồng tình với kiến nghị tiếp tục tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu, với các lý do: Việt Nam là thành viên của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá FCTC (hiệu lực 17/3/2005). Trong đó Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định rõ, các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy”. Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu là đi ngược với quy định trên. Trên thực tế tình hình thị trường thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam: thuốc lá lậu tại Việt Nam chủ yếu là JET, HERO (chiếm 80%-90% lượng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu). Toàn bộ sản phẩm thuốc lá nhập lậu: Không in cảnh báo sức khỏe; nơi sản xuất; thời gian sản xuất; không có giấy xác nhận chất lượng;... nên không đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu ở đa số các quốc gia.
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ
tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tính khả
thi của từng phương án. Nếu tiêu hủy, đã thật sự tốt hay chưa? Vì trong nước
tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta "xao
nhãng" thì số lượng thuốc lá lậu tuồn qua sẽ tăng gấp đôi, nhằm bù vào số
đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy. Nếu tái xuất, về mặt pháp lý có đảm bảo, có vi phạm Công ước chống buôn lậu mà Việt Nam đã ký kết, rồi có vi phạm luật pháp của nước thứ 3 khi đồng ý tái xuất mặt hàng này? Do đó, biện pháp hiện tại vẫn là tiêu hủy, riêng địa phương nào có đủ điều kiện để tái xuất phải có đề án cụ thể, đặc biệt là giám sát chặt, không để xảy ra tiêu cực. Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu việc tái xuất mà vi phạm các công ước quốc tế Việt Nam tham gia thì dứt khoát không làm.