Quản lý thuốc lá thế hệ mới cần kịp thời để tránh hệ lụy lâu dài
Theo khảo sát báo Lao động thực hiện tháng 10/2022 trên 2.000 người, ghi nhận số người biết đến hoặc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là rất cao, lên đến 97%. Trước đó, 70% của hơn 2.000 người từ 18 tuổi đang hút thuốc lá điếu tham gia khảo sát của báo Điện tử VietnamPlus (tháng 8/2022) đánh giá các giải pháp giảm tác hại của khói thuốc lá là quan trọng và có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thay thế giảm tác hại này nếu thấy tốt cho bản thân và cộng đồng. Tất cả các số liệu này phản ánh thực tiễn về mức độ quan tâm của người hút thuốc và nhu cầu tìm kiếm, chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới với mục đích giảm tác hại hơn so với tiếp tục hút thuốc lá điếu đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, trên thực tế, điều bất hợp lý đó là nguồn hàng thuốc lá thế hệ mới chính danh, được chứng nhận về mức độ giảm tác hại của các tổ chức quốc tế thì lại chưa được phép nhập khẩu trong khi thị trường lại tràn lan, buông lỏng tạo điều kiện cho các sản phẩm lậu trôi nổi phát triển từ nhiều năm nay. Chính vì sự bất cập này nên những người hút thuốc lá đã và đang gánh chịu hệ lụy trực tiếp chính là mua hàng lậu với nhiều rủi ro cho nhu cầu giảm tác hại hơn so với hút thuốc lá điếu.
Mặt khác, các nguồn hàng lậu không rõ nguồn gốc, thành phần, chất lượng lại công khai tiếp cận nhóm người chưa bao giờ hút thuốc, trong đó có giới trẻ. Đối tượng cần được bảo vệ khỏi mọi loại thuốc lá đang bị tấn công bởi thuốc lá điện tử lậu, còn người dùng hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi thì thiếu một nguồn sản phẩm an toàn. Điều này càng đặt ra nhu cầu cấp bách về một cơ chế quản lý kịp thời và hiệu quả.
Trong tọa đàm cuối tháng 10/2022 của báo Lao Động, TS. BS. Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao & bệnh phổi, BV Quân y 175, cũng đưa ý kiến: “Nếu không thể cấm triệt để thì thay vì buông lỏng không quản lý như hiện nay, nên xây dựng một hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới được tốt, để có thêm một lựa chọn ít độc hại hơn cho những người không thể bỏ được thuốc lá, vì thuốc lá thế hệ mới ít độc hại hơn thuốc lá điếu".
Ủng hộ đề xuất sửa đổi Nghị định 67 để quản lý thuốc lá thế hệ mới
Tại hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” do Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức cuối tháng 11/2022, đại diện nhiều bộ, ngành và chuyên gia cho rằng, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định 67/2013 sửa đổi để đẩy nhanh tiến độ quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Chia sẻ về tiến trình quản lý thuốc lá thế hệ mới, với những chuyển biến tích cực, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: "Năm 2021, Bộ Công Thương có 2 tờ trình 5200 và 5201 báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất chính sách quản lý về các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Về cơ bản các bộ, ngành như là Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư... đều thống nhất rằng: Biện pháp quản lý này là cần thiết và có cơ sở, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67 năm 2013 về một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật PCTHTL). Do đó, khuyến nghị cần sớm thống nhất các nội dung còn ý kiến khác nhau và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Trước đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ: nên có cách tiếp cận mở hơn, phải tìm cách quản lý, có khung pháp luật phù hợp để điều chỉnh, đảm bảo nó phát triển theo đúng hướng chúng ta mong muốn.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khẳng định: “Cấm vẫn cấm, bắt vẫn bắt, người ta hút vẫn hút”. Trước đó, ông lý giải thêm: Trên thế giới, các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chấp nhận cho tiêu dùng thuốc lá làm nóng trên thị trường. Khi nói thuốc lá thế hệ mới độc hại hơn là không đúng, vì chưa có bằng chứng.
Liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cho rằng, đặt đề xuất cấm thuốc lá thế mới trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen và xem xét từ góc độ quyền lợi của người tiêu dùng và cách tiếp cận bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Vụ phó Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội đánh giá: Đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Vì vậy, việc tăng cường quản lý Nhà nước về thuốc lá thế mới là hết sức cần thiết. Năm 2023, Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật PCTHTL, đánh giá tác động những vấn đề mới phát sinh cần luật hóa, cần sửa đổi, bổ sung, những hạn chế vướng mắc và có giải pháp nhằm hoàn thiện.
Cập nhật về tiến độ trình Chính phủ nội dung Nghị định 67 sửa đổi do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: “ Sau khi có ý kiến trả lời chính thức của Bộ Y tế đối với một số nội dung còn vướng mắc, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi. Đây cũng là căn cứ để giúp cho hoạt động quản lý Nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn”.
Được biết, trong số các quốc gia đã ban hành các quy định cho phép thương mại hóa thuốc lá thế hệ mới có hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và cả Malaysia, Indonesia, Philippines… Điểm chung tại các nước là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được quy định và quản lý chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của người hút thuốc.