Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã leo thang lên một cấp độ mới những ngày gần đây, sau khi các vòng đàm phán không mang lại kết quả và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ “trả đũa” việc Mỹ áp thuế mới với hàng hóa nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc vừa thông báo các doanh nghiệp Trung Quốc đã ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3/8. Ngày 15/8 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố “sẽ có những động thái đáp trả cần thiết” nếu Mỹ tiến hành áp thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh.
Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “song găng” quyết liệt trên sàn đấu thương mại đang đẩy các nền kinh tế đối mặt nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ và “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế thế giới, gây quan ngại cho tất cả các nền kinh tế. Ngay tại Mỹ, những ngày gần đây, mối lo suy thoái kinh tế đã gia tăng, bất chấp tăng trưởng kinh tế Mỹ quý vừa qua vẫn tương đối tốt. Trong báo cáo quý công bố cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, kinh tế Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chỉ số kinh tế khả quan trong đầu năm 2019 và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế này năm 2019 tăng 0,3%, lên mức 2,6%. Tuy nhiên, việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang gần đây khiến giới phân tích bi quan rằng các “rào cản” với tăng trưởng sẽ gia tăng ngay tại nước Mỹ.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Qi Zhenhong vừa cho biết, mức thuế 10% sẽ tiếp tục làm giảm sức mua của các hộ gia đình Mỹ do đa số hàng hóa bị áp thuế mới là hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từ năm 2011-2014, cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các tổ chức tài chính khác ước tính mức thuế mới sẽ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải chi tiêu thêm trung bình 1.000 USD do giá cả tăng, trong khi đẩy các công ty Mỹ vào thế khó cạnh tranh hơn ở thị trường trong và ngoài nước. Trong khi đó, nhà bán lẻ đồ thủ công và mỹ nghệ có trụ sở tại Ohio, Jo-Ann Stores, cho biết quyết định tăng thuế đối với hàng của Trung Quốc được đưa ra tháng 9/2018 đã khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm, trong khi làm gia tăng nguy cơ sa thải nhân công.
Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ và Trung Quốc cùng chung nhận định rằng mức thuế bổ sung khả năng sẽ gia tăng “gánh nặng” cho nền kinh tế Mỹ, vốn đã cho thấy dấu hiệu giảm tốc. Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế số một thế giới suy thoái. Một liên minh các nghiệp đoàn thương mại Mỹ vừa cho biết, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ đã phải trả 6 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cảnh báo đợt áp thuế mới sẽ làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nhu cầu hàng hóa giảm.
Trên thực tế, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng vào quý 2 vừa qua. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% của quý 1/2019 xuống 2,1% trong quý 2/2019. Trong báo mới đây, Bộ Thương mại Mỹ Mỹ cũng đã giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong cả năm 2018 xuống 2,5%, so với tuyên bố trước đó của Tổng thống Donald Trump là đạt mức tăng 3%. Chiến tranh thương mại đã khiến các nhà máy ở Mỹ bán được ít ô tô, linh kiện và thiết bị hơn. Hoạt động bán lẻ và bán buôn trở nên trầm lắng và nguồn thu từ du lịch, chủ yếu là các du khách và sinh viên nước ngoài, giảm sút. IMF trong báo cáo công bố hồi tháng 7 dù ghi nhận nền kinh tế số một thế giới vẫn tăng trưởng khá, nhưng cũng đã cảnh báo nhu cầu yếu, một phần do căng thẳng thương mại và thuế, sẽ “cản bước” đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vào những tháng còn lại của năm 2019. Do vậy, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 xuống còn 1,9%.
Trên thực tế, những “gam mầu xám” về kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện từ cách đây ít lâu trong các báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, FED nhấn mạnh tình trạng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển lao động, trong khi chi phí đầu vào tăng ở đa số các khu vực. Giá nguyên liệu và cước vận chuyển tăng là nguyên nhân khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cùng một số loại thuế. Trong khi đó, ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm 2020, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Massachussetts Elizabeth Warren vừa cảnh báo về viễn cảnh "sụp đổ kinh tế" tại Mỹ. Trong một bài viết cung cấp cho báo giới, bà Elizabeth Warren đã thể hiện sự lo lắng khi cho rằng ngành sản xuất đang suy thoái, trong khi nền kinh tế Mỹ ngày càng trở nên bấp bênh và được "xây dựng bằng nợ". Điều này sẽ dễ dẫn đến một sự sụp đổ trong tương lai nếu như không có biện pháp ngăn chặn phù hợp và kịp thời.
Các nhà phân tích cho rằng, tình hình kinh tế Mỹ có ý nghĩa then chốt với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới và nếu các tín hiệu kinh tế trong nửa cuối năm tiếp tục xấu đi, đường vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai của ông sẽ đối diện nhiều “chông gai”. Trong quá khứ, các tổng thống Mỹ thất bại trong cuộc tái tranh cử là do nền kinh tế Mỹ thường rơi vào suy thoái trước các cuộc bầu cử. Chẳng hạn, đối với Tổng thống Bush, nếu như vào tháng 2/1991, tỷ lệ ủng hộ ông trong cuộc thăm dò của Gallup đạt tới mức đáng kinh ngạc là 89% sau Chiến tranh vùng Vịnh thì đến tháng 6/1992, tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống 38% khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến cao đỉnh điểm. Ngay trước ngày bầu cử, vào giữa tháng 10/1992, tỷ lệ này là 34% và ông Bush đã bị đánh bại bởi đối thủ đảng Dân chủ Bill Clinton.
Với ông Trump, điểm tựa kinh tế còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả những người tiền nhiệm. Thành tích kinh tế có thể xem như chiếc “phao cứu sinh” duy nhất giúp Tổng thống Trump có khả năng tái đắc cử, bởi ông không được đánh giá cao trong hầu hết các vấn đề chính sách khác. Ông Joe Trippi, nhà chiến lược của đảng Dân chủ, nhận định: “Nếu nền kinh tế là thứ giúp Tổng thống Trump có được tỷ lệ ủng hộ 43%, điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc suy thoái hoặc sự suy giảm của thị trường chứng khoán vào năm 2020? Nếu các khó khăn kinh tế xảy ra vào kỳ bầu cử thì ông Trump sẽ “thực sự gặp rắc rối”. Trong bối cảnh nêu trên, một số chuyên gia hy vọng và dự đoán rằng, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ hoãn đợt áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc do các thị trường tài chính và những chỉ số kinh tế Mỹ yếu. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cũng vừa công bố danh sách hoàn chỉnh về 44 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 7,8 tỷ USD, được đưa ra khỏi kế hoạch áp thuế dự kiến chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9 và 15/12. Động thái này được xem như một biện pháp “giảm sốc” từ việc tăng thuế hàng hóa Trung Quốc với kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến “quá nhanh, quá nguy hiểm”. Và, một khi chiến tranh thương mại vượt khỏi tầm kiểm soát, rất có thể kinh tế Mỹ chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông” và điều này cũng sẽ “dập tắt” hy vọng tái cử của đương kim Tổng thống Mỹ.