Thương hiệu nông sản Việt và lời giải Blockchain

Áp dụng truy xuất nguồn gốc vào chuỗi cung ứng trên nền tảng blockchain sẽ giúp làm giảm các hư hỏng, thất thoát, đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Rủi ro thương hiệu nông sản quốc gia

Mỗi quốc gia có một thương hiệu nông sản riêng, được xây dựng qua nhiều năm miệt mài xuất khẩu. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đã khó, việc giữ thương hiệu lại càng khó khăn hơn bởi những rủi ro luôn hiện hữu.

Đầu tháng 7 qua, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) cùng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ thông báo nguy cơ dịch bệnh từ vi khuẩn Salmonella, có trong đu đủ nhập khẩu từ Mexico, khiến 71 người tại 6 tiểu bang mắc bệnh và phải điều trị y tế.

Có đến 80% sản lượng đu đủ tiêu thụ tại Mỹ được nhập khẩu từ Mexico, nên dù chưa có con số thống kê chính thức, vụ việc này được cho là gây thiệt hại không nhỏ đến sản lượng xuất khẩu đu đủ nói riêng và các loại nông sản khác của Mexico nói chung.

Một trường hợp khác là Ba Lan, quốc gia xuất khẩu 500.000 tấn thịt bò mỗi năm, hiện đang đối mặt với bê bối sử dụng bò bệnh, bò chết để giết mổ và xuất khẩu. Bê bối trên khiến giá thịt bò Ba Lan giảm mạnh trong thời gian qua, ước tính ngành sản xuất này thiệt hại hơn 160 triệu USD trong năm nay.

Điều đáng nói ở đây là trước khi phóng sự điều tra một số lò mổ được công chiếu, thịt bò Ba Lan vẫn xuất khẩu đi hơn 11 nước Liên minh châu Âu (EU), vốn là những nước có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt. Rõ ràng đâu đó vẫn còn tồn tại những kẻ hở, sự lỏng lẻo trong việc giám sát hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng và đặc biệt là quy trình khai báo nguồn gốc thực phẩm từ phía Ba Lan.

Sau vụ việc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng cường sử dụng các công nghệ như blockchain ở EU để thúc đẩy ngành nông nghiệp và giải quyết các mối lo ngại về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Tổng thống Macron nhấn mạnh công nghệ này nên được xem như “phòng tuyến đầu tiên” của EU trong nông nghiệp cho phép xác thực và truy xuất toàn bộ thông tin từ khâu sản phẩm thô đến đóng gói và xuất khẩu.

Nông sản Việt – lời giải nào?

Việt Nam sở hữu nhiều loại nông sản xuất khẩu đi thế giới, xếp thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 toàn thế giới về sản lượng xuất khẩu. Ở khía cạnh vĩ mô, hai Hiệp định thương mại tự do quan trọng là EVFTA và CPTPP, được ký kết và có hiệu lực thi hành từ năm 2019, được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Rõ ràng, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều hơn, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam lại càng trở nên quan trọng. Dù vậy, ngành nông nghiệp nói chung và chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia nói riêng cho đến nay vẫn gặp nhiều thách thức.

Đơn cử, có đến 80% sản lượng chè (mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng thứ 5 thế giới của Việt Nam) lại được xuất đi dưới tên của các thương hiệu Ấn Độ, Trung Quốc do không có thương hiệu bảo hộ quốc gia. Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Chuyên gia nông nghiệp, chúng ta không làm tốt thương hiệu nông sản Việt, nên dẫn tới một thực tế đáng buồn là “nông sản Việt Nam đã và đang thua trên sân nhà”.

nong san viet ung dung blockchain
Minh bạch hóa thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam "quyết liệt" theo đuổi giấc mơ xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia.

 

Có thể định nghĩa một thương hiệu nông sản Việt Nam bao gồm tên, logo, nhãn mác và hình ảnh nông sản, đi kèm là chỉ dẫn địa lý, thông tin nguồn gốc xuất xứ và cuối cùng là chứng nhận chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu theo các tổ chức quốc tế như FDA, EU, GlobalGAP, ...

Trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thương hiệu, việc bảo đảm thông tin nguồn gốc xuất xứ chính xác, minh bạch và trung thực được đánh giá là khó khăn nhất khi một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản muốn khai báo đến khách hàng. Một nghiên cứu của Orange Silicon Valley và Food System 6 cho thấy, nông sản nhập khẩu trước khi đến tay người tiêu dùng Mỹ thường phải qua 15 - 25 đơn vị trung gian. Điều này khiến cho việc cập nhật thông tin của mỗi khâu thêm phức tạp và thường dẫn tới sai sót.

Trong khi đó, nếu nhìn từ những vụ bê bối thương hiệu nông sản của các quốc gia khác trong thời gian qua, thì việc tập trung tìm ra các giải pháp nhằm minh bạch hóa thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam “quyết liệt” theo đuổi giấc mơ xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia.

Trên thế giới, Blockchain hiện đang là giải pháp trước mắt cho những trở ngại, hạn chế mà phương thức truy xuất nguồn gốc dựa trên mô hình máy chủ tập trung (centralized server) thường gặp. Bởi lẽ, thông tin một khi đã lưu trên blockchain vừa minh bạch lại vừa an toàn, bất biến, gần như không thể xóa hay thay đổi, gian lận, nhờ vào nguyên tắc thông tin lưu trên mạng lưới đồng đẳng (P2P Network) và phi tập trung (decentralized) cùng với dữ liệu nhập vào theo phương pháp mã hóa (cryptography) dựa trên giao thức đồng thuận (consensus protocol).

Nhờ nền tảng công nghệ Blockchain, thông tin chính xác và bất biến từ các khâu trung gian sẽ giúp hạn chế các hư hỏng, thất thoát trong toàn bộ quy trình thuộc chuỗi cung ứng. Thêm nữa, chất lượng hàng hóa cũng được đảm bảo do dòng thông tin được kiểm soát chặt chẽ và liên tục. Việc xác thực thông tin xuất khẩu cũng sẽ nhanh chóng, chính xác hơn nhờ dữ liệu đầy đủ về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhờ đó dễ dàng “thông quan” hơn tại thị trường tiêu thụ. Kết quả chung là lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm và thương hiệu được gia tăng, từ đó thương hiệu nông sản Việt cũng được nâng tầm.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Mức độ ứng dụng nền tảng công nghệ vào lĩnh vực truy xuất nguồn gốc nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung hiện vẫn còn ở giai đoạn đầu tiên, nhưng cũng đã xuất hiện những doanh nghiệp tiên phong tạo lập các sản phẩm, ứng dụng góp phần giúp nông sản Việt đáp ứng đầy đủ quy định khắt khe của những thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới.