Tại ngày họp đầu tiên của Hội nghị vào 5/2/2018, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, trong 2 năm vừa qua, Bộ Công Thương đã có những theo dõi sát sao về ngành, cũng như phản ứng kịp thời trước các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, năm 2017 là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công thương, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu của Chính phủ.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu phổ biến tinh thần của Hội nghị Tham tán Thương mại 2018Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng nhận định, để có thể hoàn thành chỉ tiêu của Chính phủ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, cần tìm được phương án thích hợp hơn nữa để tiếp cận và xử lý đồng thời 9 chỉ tiêu trong nhóm chỉ tiêu về kinh tế thay vì đi vào lần lượt từng chỉ tiêu cụ thể. Chỉ như vậy mới có thể đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh đi đôi với phát triển bền vững, theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018Kế hoạch mà Bộ Công Thương xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 hướng đến đạt và vượt chỉ tiêu về ngành, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp hướng tăng 7-7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5-10%/năm, chỉ số đàn hồi điện năng đến năm 2020 giảm xuống mức 1%, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt hướng tăng bình quân 10% và 9,2% mỗi năm. Cuối cùng, kết thúc kế hoạch, thương mại nội địa được kỳ vọng đạt 12,5-14%/năm.
Chặng đường của Việt Nam đã đi trong 2 năm đầu của giai đoạn chứng kiến sự nỗ lực vượt bậc của nhiều lĩnh vực. Riêng năm 2017, công nghiệp phát triển vượt bậc vào 5 tháng cuối năm, tạo đà bứt phá IIP đạt 9,4%, tăng 1,9% so với năm 2016, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng đến 14,5% là mức cao vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị kim ngạch dầu thô tăng 2,9 tỷ USD so với dự kiến đầu năm. Xuất siêu 2017 Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD và thương mại nội địa đạt 10,9%.
Có thể thấy, dù nỗ lực của chúng ta là không ngừng nghỉ nhưng để đạt đến những chỉ tiêu cho kế hoạch 5 năm về kinh tế thì năm 2018 nói riêng và 3 năm tới nói chung sẽ còn chịu nhiều áp lực không hề nhỏ. Theo Vụ Kế hoạch, năm 2018 giá trị sản xuất công nghiệp cần tăng đến 7,02-7,32% và đến năm 2020 cần đạt mức 7,1-7,6% để hoàn thành chỉ tiêu bình quân của giai đoạn. Về xuất nhập khẩu, Việt Nam tiến tới cân bằng cán cân thương mại năm 2020, giữ vững xuất siêu. Sự ổn định của cán cân được coi là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế. Trên thực tế, yếu tố bền vững này còn chịu ảnh hưởng lớn của tỷ trọng doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu, trong khi tỷ trọng này vẫn khá cao, ở mức 72% trong năm 2017. Không thể phủ nhận đây là khu vực góp phần lớn vào sự phát triển của nền kinh tế, nhưng nếu không chủ động cân đối tích cực để khu vực trong nước tham gia nhiều hơn các bên cạnh mặt tích cực là việc mở cửa thị trường thì khi một rung động xảy ra trong khu vực FDI có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, một trong 3 yếu tố được đánh giá là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cùng với đầu tư và thương mại trong nước.
Để giải bài toán đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng cần tập trung vào 3 đột phá chiến lược chính là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực đi liền với nâng cao chất lượng nhân lực, đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Riêng với ngành công thương, 2 vấn đề lớn được đặt ra là tập trung đẩy nhanh tốc độ song song với nâng cao hiệu quả của việc tái cơ cấu trong tất cả các lĩnh vực trong ngành và cân đối nguồn năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Đồng tình với báo cáo của Vụ Kế hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo bước vào thời kỳ phồn vinh trong năm 2018, nhiệm vụ của Bộ Công Thương là không hề nhẹ nhàng khi khoảng không vận hành của cơ quan quản lý nhà nước chịu sự bó hẹp của yếu tố ràng buộc giữa các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Các Vụ, Cục cần đổi mới quản lý nhà nước theo hướng giải phóng tiềm năng, đi tìm tiềm năng mới, nhìn doanh nghiệp như đối tác phát triển, cùng nhau phối hợp để đi lên. Theo Thứ trưởng, khu vực kinh tế tư nhân cần được chú trọng phát triển bởi đây là động lực góp phần phát triển nền kinh tế chung, san sẻ các rủi ro và nâng cao tính linh hoạt, năng động của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Song song với đó, tiếp tục quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước bằng hình thức thoái vốn và chú trọng nội cầu qua việc khuyến khích tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh thương mại nội địa,…
Phiên họp đầu tiên của Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chứcThứ trưởng cho rằng, xuất khẩu cần được đẩy mạnh trên tất cả các thị trường, tránh việc chênh lệch quá cao giữa các khu vực khác nhau. Cùng với đó, thay đổi cách làm theo tư duy kiến tạo, không chỉ chú ý tới các rào cản mới có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu, mà còn cần lưu tâm tới tâm tư và phản ứng của doanh nghiệp, phản hồi nhanh trước các ý kiến, vấn đề doanh nghiệp cần được tháo gỡ.
Hiện nay, Việt Nam đang bước trên con đường hội nhập mạnh mẽ, với 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Trong bối cảnh ấy, hệ thống Thương vụ giữ vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể các cam kết quốc tế để kế hoạch khai thác tiềm năng của các FTA và có những tư vấn về phòng vệ thương mại cho thị trường trong nước. Không chỉ vậy, kinh tế thế giới đang biến đổi từng ngày khiến nhu cầu cập nhật thông tin của các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong nước về thị trường quốc tế ngày càng lớn, các Thương vụ cần là đầu mối cung cấp thông tin kịp thời về tình hình bên ngoài.
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, nhiều Tham tán thương mại tại các quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Anh, Áo,… cũng đã đóng góp ý kiến và xin chỉ đạo về các vấn đề trong xây dựng quan hệ thương mại quốc tế, thu hút đầu tư nhằm tăng cường trao đổi lợi ích kinh tế với nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, tạo tiền đề cho phiên họp trù bị giữa các Tham tán Thương mại với các Vụ Thị trường ngoài nước thuộc Bộ Công Thương được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị vào chiều cùng ngày.
Hội nghị Tham tán Thương mại 2018 dự kiến tổ chức từ ngày 5/2/2018 đến ngày 28/2/2018 với nhiều phiên họp có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo Sở Công Thương, các Tham tán Thương mại, đại diện Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong nước. Hội nghị được đánh giá là sự kiện quan trọng tổng kết lại hoạt động công tác của các Thương vụ năm 2016, năm 2017 đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn 2018-2020.