Khởi công xây dựng năm 1979 và khánh thành năm 1994, nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai Việt Nam, cũng là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng trên dòng sông Đà, gồm 12 cửa xả và 8 tổ máy với tổng công suất 1.920 MW (mỗi tổ máy 240 MW). Hồ chứa thủy điện Hòa Bình có diện tích 208km2, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3. Thiết kế nhà máy có mực nước dâng bình thường cao 117 m; mực nước gia cường 120 m; mực nước chết 80m.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Công Thương tại nhà máy Thủy điện Hòa Bình ngày 13/6/2023, mực nước hồ Hòa Bình hiện rất thấp, xấp xỉ mực nước chết, có thể quan sát rõ bằng mắt thường một số điểm lộ đáy sông.
Năm 2022, sản lượng điện của Thủy điện Hòa Bình đạt gần 9,4 tỷ kWh. Năm 2023, nhà máy đặt mục tiêu phát 9,832 tỷ kWh lên lưới. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã gần giữa tháng 6, nhà máy mới chỉ đạt sản lượng 3,5 tỷ kWh, tương đương khoảng 37% kế hoạch cả năm.
"Việc đảm bảo kế hoạch sản lượng điện được dự báo sẽ rất khó khăn", ông Phạm Văn Vương chia sẻ.
Thực tế, từ tháng 1/2023, Thủy điện Hòa Bình đã tiến hành sửa chữa thay thế bánh xe công tác tổ máy H5 theo kế hoạch và dự kiến hoàn thành vào 30/5. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn trong cung ứng điện, nhà máy đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công, làm việc 24h/24h, qua đó thành công đưa tổ máy vào vận hành ngày 22/5, về đích và phát điện hòa lưới trở lại sớm 8 ngày so với kế hoạch.
Hiện mực nước hồ thủy điện Hòa Bình ở mức khoảng 102 m, cách mực nước chết 12 m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 15 m. Lưu lượng nước về hồ chỉ ở mức khoảng 40 m3/s và "cùng lắm lên được khoảng 200 m3/s nếu có mưa". Tình trạng đang rất đáng báo động.
Dù vậy, Hòa Bình vẫn may mắn khi đang "được" phát điện. Đến hôm nay, Thủy điện Hòa Bình là nhà máy thủy điện duy nhất trên hệ thống thủy điện bậc thang sông Đà còn khả năng cung ứng điện. 2/3 thủy điện lớn nhất Việt Nam là Thủy điện Sơn La và Lai Châu đều đã phải ngừng chạy khi mực nước hồ chứa xuống mực nước chết, lòng hồ cạn trơ đáy.
“Thông thường đầu tháng 5 thủy điện Hòa Bình khai thác ở mức cao, nhưng năm nay mực nước hồ xuống rất nhanh. Các hồ ở khu vực phía Bắc đều đã xấp xỉ mực nước chết, khả năng khai thác hầu như không còn. Vì vậy, thủy điện Hòa Bình phải phát huy vai trò đảm bảo công suất, ổn định chất lượng điện, chuẩn bị nguồn cho những ngày tới căng thẳng”, ông Phạm Văn Vương cho hay.
Nếu phát điện liên tục ở công suất tối đa - tức huy động sản lượng khoảng 46 - 47 triệu Kwh/ngày, Thủy điện Hòa Bình sẽ chỉ có thể chạy trong 12-13 ngày, sau đó mực nước hồ chứa sẽ xuống đến mực nước chết. Do vậy, nhà máy đang phối hợp với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) để đưa ra kịch bản vận hành linh hoạt, phù hợp nhất.
Áp lực là rất lớn, bởi theo ông Phạm Văn Vương, thủy điện là loại nguồn duy nhất có khả năng thay đổi công suất nhanh trong thời gian tính bằng phút, có thể đáp ứng linh hoạt việc điều tiết trong trường hợp các nguồn khác gặp sự cố hoặc hệ thống điện phát sinh vấn đề. Chính vì đặc thù này, mà bên cạnh nhiệm vụ cung cấp điện thường xuyên, liên tục, Thủy điện Hòa Bình còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là điều tần, điều áp hệ thống, đảm bảo chất lượng điện năng.
"Phương thức vận hành trong ngày của nhà máy hiện biến đổi liên tục theo tình hình cập nhật của hệ thống và nhu cầu phụ tải từng giờ, từng thời điểm", ông Phạm Văn Vương chia sẻ. Ông cho biết, thêm, chế độ vận hành này không tốt cho các tổ máy, việc thay đổi công suất tăng, giảm liên tục hay dừng máy, khởi động lại nhiều lần trong thời gian ngắn dễ dẫn đến phát sinh nguy cơ xảy ra sự cố, hư hỏng cũng như ảnh hưởng đến tuổi thọ của thiết bị. Các cán bộ công nhân viên đang túc trực, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo an toàn các tổ máy, giữ thiết bị vận hành ổn định.
Lãnh đạo Thủy điện Hòa Bình cho biết, nhà máy vẫn đang nỗ lực phát huy vai trò của thủy điện đa mục tiêu, phối hợp với A0 thực hiện việc điều tần, điều áp trong hệ thống điện để góp phần đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), dự báo từ ngày 13-16/6, lưu lượng trung bình đến các hồ chứa lớn trên sông Đà sẽ tăng nhẹ, cụ thể: Hồ Lai Châu đạt 280 - 350 m3/s, mực nước hồ tăng 3,5 - 4,0 m; khu vực Lai Châu - Sơn La có khả năng đạt mức 400 - 600 m3/s; mực nước Hồ Sơn La tăng 0,8 - 1,3 m; khu vực giữa hồ Sơn La - Hòa Bình đạt 400-500 m3/s, mực nước hồ giảm 0,3 - 0,5 m (tính mực nước hồ theo giả thiết không phát điện). Đây là tin vui cho các hồ chứa thủy điện khu vực miền Bắc hiện đang trong cơn "khát" nước.