Thụy Sĩ mong muốn hợp tác đầu tư vào thủy điện nhỏ Việt Nam

Trao đổi với Bộ trưởng Thụy Sĩ Doris Leuthard, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định tích cực về tiềm năng triển khai hệ thống thủy điện nhỏ tại Việt Nam trong mục tiêu phát triển nhanh và
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545}

Tại buổi tiếp đón đoàn làm việc từ Thụy Sĩ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam luôn coi Thụy Sĩ là đối tác hợp tác lâu dài hiệu quả và đáng tin cậy trong nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, năng lượng, công nghệ,… Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang phát triển nhưng có độ mở rất lớn tới 190%, Bộ trưởng khẳng định chính sách nhất khoán của Chính phủ Việt Nam là tiếp tục mở cửa thị trường, đóng góp vào xu thế hội nhập chung của toàn cầu. Vậy nên các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vai trò quan trọng của các FTA trong chính sách mở cửa hội nhập của Việt Nam

Cho tới hiện nay, Việt Nam đã ký thành công 12 FTA và đang trong quá trình đàm phán 4 FTA khác, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực tối đa để cân bằng lợi ích của các bên đối tác, sớm kết thúc đàm phán để các FTA đi vào hoạt động, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định có một số nguyên tắc liên quan tới lợi ích riêng mà mỗi bên sẽ cần cân nhắc, dựa trên cơ sở đó để đàm phán, thảo luận đi đến lợi ích chung, “tìm một điểm cân bằng mà chúng ta đều có thể đồng nhất”. Những FTA như CPTPP, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) hay Việt Nam - Khối EFTA đều có ý nghĩa quan trọng và Chính phủ các bên sẽ cần có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời để đẩy nhanh tiến độ đàm phán hơn nữa, đi đến kết quả tốt đẹp trong thời gian gần.

Thụy Sĩ là một trong 4 quốc gia thuộc khối EFTA cùng với Liechtenstein, Na Uy và Iceland. Tiến trình đàm phán ký kết FTA giữa Việt Nam và EFTA đã khởi động từ tháng 5/2012, tới nay trải qua 15 phiên đàm phán dựa trên cơ sở tiềm năng hợp tác kinh tế giữa 5 nước. 

Dự kiến, FTA VN-EFTA sẽ đi đến ký kết trong 6 tháng đầu năm 2018, mở ra cơ hội hợp tác thương mại - đầu tư lớn cho cộng đồng doanh nghiệp các bên.


Nhận định về tình hình phát triển kinh tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng 3 năm vừa qua đã chứng kiến sự phát triển ổn định của nền kinh tế trong khoảng 6-7% tăng trưởng GDP, đặc biệt năm 2017 đạt 6,81%, cao hơn nhiều mục tiêu kế hoạch đã đề ra là 6,7%. Ba tháng đầu năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,41% cũng là một con số tương đối cao trong bối cảnh khó khăn không chỉ với Việt Nam mà còn với cả nền kinh tế chung toàn thế giới. Điều đáng mừng, theo Bộ trưởng, đó là tăng trưởng những năm vừa qua và trong quý I cho thấy những kết quả tích cực từ 3 trụ cột lớn của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, trong tăng trưởng Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố của sự bền vững như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiến triển rõ rệt, thể hiện qua hệ số co giãn năng lượng những năm 90 của thế kỷ trước ở mức 2% nay đã giảm xuống còn 1,6%. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường trở thành nội dung quan trọng trong chính sách, định hướng tăng trưởng của Chính phủ. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn bày tỏ, dù đạt được những thành quả như vậy nhưng Việt Nam vẫn nhìn nhận thấy còn nhiều bất cập, khó khăn thậm chí là cả thách thức đang đặt ra trước mắt. Tốc độ phát triển kinh tế cần đảm bảo nhanh để tạo ra nền tảng, tiền đề quan trọng cải thiện đời sống nhân dân song song với đạt được các mục tiêu vĩ mô của đất nước, nhưng vẫn cần giữ yếu tố bền vững làm trọng tâm. Đây là bài toán không hề dễ dàng và đòi hỏi nỗ lực to lớn từ chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Hai bên thẳng thắn chia sẻ thực trạng cũng như khó khăn, thách thức đặt ra trên con đường phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững

Những vấn đề như chất lượng nguồn nhân lực và trình độ doanh nghiệp hay sự chưa hoàn thiện của hệ thống hạ tầng kinh tế và xã hội cũng như áp lực tới từ công cuộc hiện đại hóa và các FTA thế hệ mới trong quá trình hội nhập đều đặt ra mục tiêu cho Chính phủ Việt Nam là phải tập trung giải quyết vấn đề này, từ đó quyết tâm thực hiện cải cách trên nhiều phương diện như hành chính, khuôn khổ pháp lý, thể chế,…

Trong quá trình đó, Việt Nam đặc biệt coi trong hợp tác quốc tế với các đối tác, trong đó có Thụy Sĩ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin rằng sẽ có cơ hội hợp tác nhiều hơn với Thụy Sĩ trong hỗ trợ và hợp tác phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao năng lực thể chế, trình độ công nghệ và tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc tạo ra cơ chế thuận tiện nhất cho doanh nghiệp và người dân nắm bắt lợi ích từ hợp tác song phương.

Bộ trưởng Môi trường, Vận tải, Năng lượng và Thông tin Thụy Sĩ Doris Leuthard bày tỏ sự tin tưởng vào nỗ lực đàm phán của Việt Nam và EFTA sẽ nhanh chóng tìm được điểm chung và cân bằng về lợi ích, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác lĩnh vực năng lượng trong tương lai của hai nước.

Bộ trưởng Doris Leuthard chúc mừng Việt Nam về những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được thời gian qua, đồng thời bày tỏ niềm tin vào việc mở rộng cơ hội hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước

Bộ trưởng Doris Leuthard chia sẻ, trải qua quá trình quan sát và dõi theo sự tăng trưởng của Việt Nam, Thụy Sĩ nhận thấy tốc độ phát triển kinh tế rất cao nhưng đi kèm với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng theo nhanh chóng. Do vậy, vấn đề khai thác và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việt Nam có nền sinh học tự nhiên rất đa dạng và cần được bảo vệ mạnh mẽ. Với những kinh nghiệm lâu năm của một số doanh nghiệp Thụy Sĩ trong vấn đề này, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác xây dựng các dự án nghiên cứu - đầu tư về năng lượng tái tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay trong lĩnh vực vận tải, hướng tới nền kinh tế xanh phát triển nhanh đi kèm với bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, Việt Nam có nền tảng tương đối tốt về thủy điện, chiếm tới 44% tổng công suất phát điện của cả nước hiện nay, chủ yếu là những công trình thủy điện lớn có công suất từ 30MW trở lên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới, nếu không có biện pháp cẩn trọng và cân bằng thì tác động của các dự án thủy điện sẽ gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển các dự án thủy điện nhỏ, hướng tới mục tiêu đảm bảo bền vững, hạn chế tác động lên môi trường và xã hội. Để làm được điều đó, cơ chế quản trị và vận hành thủy điện nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng, cần có sự hợp tác, hỗ trợ của một quốc gia giàu kinh nghiệm như Thụy Sĩ trong quản lý khai thác sử dụng thủy điện có hiệu quả. Bộ trưởng Doris Leuthard khẳng định, Thụy Sĩ cũng luôn mong muốn tham gia nhiều và sâu hơn trong hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực thủy điện nói riêng và các lĩnh vực năng lượng nói chung, góp phần cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam năng động và phát triển.

Theo báo cáo về chuyển đổi năng lượng hiệu quả do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 14/3/2018, Thụy Sỹ đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về chuyển đổi năng lượng, chỉ sau Thụy Điển và Na Uy, với hệ thống năng lượng được đánh giá tốt hàng đầu thế giới. Chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, tính khả dụng của công nghệ, trợ cấp năng lượng, đầu tư vào hiệu quả năng lượng và chất lượng hệ thống giáo dục của Thụy Sỹ cũng được đề cao.

Cũng trong buổi làm việc, đại diện nhiều tập đoàn, công ty lớn tại Thụy Sĩ có kinh nghiệm trong sản xuất và truyền tải điện như ABB, Brugg Cable cũng đã bày tỏ hy vọng hợp tác và nghiên cứu đầu tư vào một thị trường tiềm năng như Việt Nam. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và chất lượng, cũng như những chính sách mà Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khai thác và sử dụng tài nguyên sâu, hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút nhiều hơn nữa đầu tư quốc tế một cách lâu dài và mạnh mẽ. Hai bên đã trao đổi và hứa hẹn sẽ tiếp tục làm việc cụ thể hơn nữa nhằm đi đến những kết quả hợp tác thương mại và đầu tư thực chất, mở ra cơ hội thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng hai nước tặng quà và bày tỏ kỳ vọng vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong tương lai với sự tham gia của các doanh nghiệp

Thy Thảo