Trong bối cảnh đó, với đặc điểm riêng của khu vực là các nước thành viên đều chung biên giới trên đất liền, GMS đã có nhiều lợi thế và thuận tiện trong kết nối giao thông đường bộ và phát triển các hành lang kinh tế, đạt được nhiều thành quả quan trọng trong hợp tác kinh tế thương mại từ khi khởi động vào năm 1992. Tiêu biểu là việc phát triển 3 hành lang kinh tế lớn, với hầu hết các dự án đã hoàn thành hoặc gần hoàn thành ghi nhận khoảng gần 10.000km đường. Ba trong số 9 tuyến đường sắt ưu tiên đã được triển khai, trong khi Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới GMS-CBTA đã được phê chuẩn và ký biên bản ghi nhớ về thu hoạch sớm bởi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải của 6 nước thành viên ngày 15/3/2018 vừa qua tại Hà Nội.
Sự ra đời của mô hình kiểm tra “Một cửa một lần dừng” tại cặp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị và Đensavan, tỉnh Savannakhẹt từ năm 2015 đã giúp Lào từ một quốc gia không có biển trở thành trung tâm trung chuyển trong GMS và giúp 2 tỉnh có hành lang kinh tế đi qua là Quảng Trị cùng Savannakhẹt tận dụng được những lợi thế riêng của mình để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hợp tác GMS trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng đạt được những bước tiến đáng kể với sự ra đời của khuôn khổ hợp tác thương mại điện tử (TMĐT) qua biên giới GMS tại Hội nghị Thượng định GMS lần thứ 5. Tiếp theo đó, một loạt các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ và thúc đẩy TMĐT qua biên giới cũng đã được triển khai hiệu quả.
Nhờ có những nỗ lực quyết liệt đó, các nền kinh tế trong khu vực GMS đã gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Tỷ trọng trao đổi thương mại nội khối GMS đã tăng từ 5,7% năm 2010 lên 9,1% năm 2016. Tổng vốn FDI giữa các nước trong Tiểu vùng tăng từ 438 triệu USD năm 2010 lên 1 tỷ 280 triệu USD vào năm 2016. Xuất khẩu hàng hóa của khu vực năm 2010 chỉ 304 tỷ USD đến năm 2016 đã tăng lên gần 500 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng từ 310 tỷ USD năm 2010 lên 471 tỷ USD năm 2016.
Đặc biệt, GMS đã theo đuổi những chính sách thương mại cởi mở và tự do hơn, chứng tỏ mình là một trong những tiểu vùng phát triển năng động nhất tại khu vực châu Á. Theo báo cáo ADB trong 25 năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của GMS đều đạt 6,3% là mức rất cao. Tuy nhiên, tiềm năng còn rất lớn để các quốc gia không những có nhiều cơ hội tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên với nhau mà còn có thể hợp tác thương mại - đầu tư với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ bằng việc tận dụng các lợi kết kết nối với 2 nước này thông qua hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây cũng như các FTA.
“Trong suốt 25 năm phát triển của mình GMS chưa bao giờ giờ dừng lại. Tuy nhiên, tiềm năng còn rất lớn để cùng nhau khai thác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”Việc gắn kết giữa các chương trình hợp tác của GMS với các cấu truc hợp tác khác như Mekong Lan Thương, Mekong - Nhật Bản,... có thể giúp GMS định vị tốt hơn hình ảnh trong châu lục và huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, phát triển các chuỗi giá trị khu vực hoặc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực mà các nền kinh tế thành viên có lợi thế như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, du lịch,… Sự xuất hiện của các chuỗi này tạo ra cơ hội lớn trong việc kết nối và tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp GMS đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ .
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, cùng với các cơ hội to lớn đặt ra, GMS cũng phải đối diện với một số thách thức không hề nhỏ. Trong khi thương mại được coi là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong tiểu vùng, số lượng các dự án hợp tác trong xúc tiến thương mại và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại qua biên giới vẫn còn rất hạn chế. Các chính sách quy định quản lý cửa khẩu, các quy định về SPS, về TMĐT còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho việc hài hòa các quy định nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có lợi thế biên giới liền kề nhưng các hành lang kinh tế vẫn chưa phát huy đầy đủ tác dụng do mạng lưới cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại qua biên giới, hạ tầng vận tải đa phương thức chưa hoàn thiện và khả năng tương tác giữa các hình thức vận tải khác nhau chưa hiệu quả. Trong khi hầu hết các tuyến đường chính dọc theo các hành lang đã hoàn thành thì mạng lới đường bộ kết nối các trung tâm sản xuất và thương mại với hành lang chưa được phát triển đầy đủ, dẫn đến tác động của các dự án đường bộ vào GMS vẫn còn khiêm tốn.
Thực tế, chi phí cho trao đổi thương mại các nước cũng còn lớn và cách biệt xa do các biện pháp thuế quan, quy trình thông quan chưa hiệu quả và các rào cản kĩ thuật khác dẫn đến quá trình thông quan tốn nhiều thời gian, gây ra sự chậm trễ không cần thiết hơn nữa còn làm tăng chi phí.
Thứ trưởng lưu ý, việc thiếu dữ liệu về các hoạt động logistics trong GMS bao gồm thông tin về chi phí và thời gian di chuyển qua biến giới cũng là một vấn đề còn tồn tại khiến dịch vụ logistics chưa tốt dù có nhiều tiềm năng và cơ sở để phát triển mạnh mẽ.
Cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và thương mại mở của GMS, nỗ lực tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại hàng hóa và thương mạiThứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, cần thừa nhận rằng dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ qua biên giới ngày càng tăng đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế của các nước tiểu vùng GMS thời gian qua, do đó cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và thương mại mở, nỗ lực tạo thuận lợi cho dòng chảy đó thông qua nâng cấp hệ thống cửa khẩu, đơn giản hóa, hài hòa các thủ tục hải quan và kiểm soát cửa khẩu.
GMS cũng cần đẩy mạng cải thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại biên giới, phát triển hạ tầng giao thông và logistics. Bên cạnh việc nhân rộng mô hình mở cửa các điểm dừng dọc theo các hành lang kinh tế, cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về thương mại và vận tải cho các hành lang này để có sự phát huy đầy đủ các chức năng. Cấu trúc của các hành lang kinh tế cũng cần được tiếp tục điều chỉnh để kết nối liên thông tất cả các thủ đô, các trung tâm kinh tế lớn, các cửa ngõ hàng hải quan trọng, các trung tâm thương mại và công nghiệp.
Dịch vụ logistics tại GMS hoàn toàn còn nhiều khoảng không phát triển nếu đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics có quy mô khu vực và toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh cải thiện kết nối đường bộ, đường sắt, cảng biển, thiết lập dịch vụ vận chuyển trực tiếp giữa các cảng, trạm thông quan nội địa và khu vực phức hợp. Đặc biệt, cần tháo gỡ bớt những quy định không cần thiết và tạo lập nền tảng chia sẻ, ứng dụng thông tin logistics cũng như tăng cường sự tham gia của các nước ngoài khu vực.
Để có thể phát huy hết sức mạnh của mình, các doanh nghiệp GMS sẽ cần được hỗ trợ tối đa và kịp thời, thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư và cải thiện hệ thống thanh toán nhanh hơn, hiệu quả hơn cho giao dịch mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục thông quan thương mại điện tử qua biên giới, hướng đến việc TMĐT và kinh tế số trở thành động lực chính cho phát triển nền kinh tế chung.
Các quốc gia thành viên GMS cũng nên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lượng về TMĐT, SPS, khởi nghiệp kinh doanh,… từ đó huy động kiến thức chuyên môn và các nguồn lực hiệu quả, giúp trao đổi các ý tưởng và cách tiếp cận sáng tạo, dần tiến tới mặt bằng chung về các kĩ năng cần thiết cho nhiều hoạt động kinh tế cụ thể.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, hợp tác GMS tự hào là một trong những hợp tác khu vực tiểu vùng hiệu quả nhất trong khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế thực chất cho mọi quốc gia thành viên, tin rằng với sự nỗ lực chung tay góp sức của Chính phủ các nước thành viên, các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, người dân 6 nước GMS sẽ tiếp tục khẳng định vị thế chắc chắn của mình trên bản đồ châu lục và quốc tế.