Thuyết phục cơ sở bằng mô hình trình diễn

Những cán bộ khuyến công Sơn La ngồi lại với nhau bàn thảo. Mọi hướng suy nghĩ đổ dồn về một mối: Cán bộ được tập huấn kỹ càng trước khi xuống cơ sở, chương trình khuyến công và cách thức ưu đãi rất c

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIII nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định lợi thế của tỉnh là nông nghiệp, vì vậy ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp phải đi vào chế biến nông sản, làm tăng giá trị sản xuất và kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo định hướng đó, những năm trước, Khuyến công Sơn La liên tục gửi các văn bản hướng dẫn đến các địa phương trong tỉnh, giới thiệu chương trình khuyến công dành cho cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; trong đó chú trọng đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị cho chế biến nông sản.

Tuy nhiên, sự hồi âm của các cơ sở sản xuất không nhiều. Kết quả là năm 2011 chỉ sử dụng được 70 triệu đồng cho công tác khuyến công.

Những cán bộ làm công tác khuyến công Sơn La tự nhủ, nếu cơ sở sản xuất chưa “mặn mà” lắm thì ta phải chủ động đến với họ.

Sự nhiệt tình, tận tâm, số ki lô mét di chuyển dọc ngang trên địa bàn của cán bộ khuyến công rất nhiều, kết quả thu được cũng khả quan hơn, nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra; nhất là chưa tương xứng với những ưu đãi mà chương trình khuyến công quốc gia và Sơn La đã thiết kế.

Những cán bộ khuyến công ngồi lại với nhau bàn thảo. Mọi hướng suy nghĩ đổ dồn về một mối: Cán bộ được tập huấn kỹ càng trước khi xuống cơ sở, chương trình và cách thức ưu đãi rất cụ thể, vậy thì vướng mắc ở chỗ nào?

Sau tranh luận, bàn thảo, mọi người rút ra kết luận: sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Sơn La phần lớn còn nhỏ bé, các chủ nghiệp phải tích lũy bao nhiêu năm mới đủ vốn lập cơ sở sản xuất, nên khá thận trọng khi đầu tư thêm, trong khi kinh phí khuyến công chỉ hỗ trợ một phần chứ không thể bao cấp toàn bộ dự án đổi mới thiết bị, công nghệ.

Vấn đề là làm sao thuyết phục được chủ cơ sở thấy cái lợi nếu đổi mới công nghệ hay quy trình sản xuất! Cách khả thi hơn cả là phải bày ra trước mắt các chủ nghiệp một mô hình sản xuất mà ở đó công nghệ, thiết bị và quy trình sản xuất mới trở thành động lực cho chinh phục thị trường.

Suy đi tính lại, năm 2015, Khuyến công Sơn La tư vấn cho Công ty chè Mộc Châu xây dựng mô hình sản xuất chè tiên tiến. Mũi đột phá là hỗ trợ 20 máy sao hơi chè có cảm biến nhiệt, điều khiển tự động. Trước kia dùng phương đốt than lò quay trực tiếp để sao chè, đốt than đá hết 1,4 kg cho 1kg chè khô. Nay dùng phương pháp sao lăn định hình bằng sấy hơi (gọi tắt là sao hơi) còn 6-7 lạng, giảm một nửa chi phí năng lượng. Không cần tính toán cũng biết giảm được 50% lượng phát thải CO2.

Tham quan mô hình trình diễn sản xuất tại Công ty chè Mộc Châu

Một tính năng ưu việt khác, dùng phương lò quay trực tiếp, tỷ lệ vụn, cháychiếm 27 - 30%, còn sao hơi chỉ 5- 7% là phế phẩm, giảm khoảng 20%. Hơn thế nữa, sao hơi còn giúp giảm thể tích 1/3 trọng lượng do quay tròn định hình ép được. Giảm thể tích tức là giảm cước vận chuyển, và như vậy là giảm giá thành đầu vào. Đặc biệt là đối với sản phẩm xuất khẩu, thể tích càng nhỏ thì cước vận chuyển càng giảm, phí cầu cảng cũng giảm.

Hỗ trợ đột phá bằng công nghệ sao hơi chè tại mô hình của Công ty Chè Mộc Châu là bài toán đa hiệu quả về chất lượng, sử dụng lao động, lợi nhuận và môi trường. Nhưng trên cả bài toán đa hiệu quả là… mô hình trình diễn. Tất cả các công đoạn sản xuất của mô hình trình diễn chè Mộc Châu được cán bộ khuyến công quay video clip, gửi cho một số cơ sở sản xuất trên địa bàn. Kết quả là, có nhiều chủ cơ sở trên địa bàn và cả ngoài tỉnh đã trực tiếp đến Công ty Chè Mộc Châu tham quan quy trình chế biến.

Sự tận tâm đến mức cầu kỳ của những cán bộ khuyến công Sơn La đã mang lại hiệu quả bùng nổ. Trước kia phải đến gõ cửa tận cơ sở sản xuất cũng “không đắt” thì năm 2016 có hàng loạt cơ sở sản xuất chè xin đăng ký tham gia chương trình khuyến công; sẵn sàng bỏ vốn đối ứng trong đổi mới công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất. Năm 2016 tỉnh đã hỗ trợ được 7 cơ sở sản xuấtchè trợ đổi mới thiết bị máy móc để đưa ra sản phẩm ổn định, chất lượng cao hơn.

Thành công của chế biến chè giúp Khuyến Công Sơn La hào hứng bắt tay vào xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cà phê tại Công ty cà phê Sơn La trong năm nay. Khuyến công đang tư vấn cho Công ty xây dựng mô hình sản xuất từ khâu trồng, đến chế biến, bao bì và cho đến khi được sử dụng thương hiệu cà phê Sơn La. Cùng với đó, Khuyến công Sơn La hỗ trợ một phần cho đổi mới máy móc, công nghệ.

Xây dựng mô hình sản xuất trình diễn của Khuyến công Sơn La đã thuyết phục được các chủ cơ sở sản xuất sẵn sàng bỏ bốn đối ứng đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị. Sự thành công này cho thấy bám sát cơ sở sản xuất là yếu tố hàng đầu. Bám sát cơ sở không chỉ giải thích được “Tại sao họ ít tham gia?” mà còn định hình được bài toán “Làm thế nào để thuyết phục họ?”.


Ngọc Châu