Tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời còn rất lớn

Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng đáng kể về năng lượng mặt trời, với năng lượng bức xạ trung bình đạt 4 đến 5 kWh/m2 mỗi ngày. Tuy vậy, chúng ta mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lư

Cụ thể, các tỉnh phía Bắc bình quân có khoảng từ 1.800 - 2.100 giờ nắng/năm, phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) bình quân từ 2.000 - 2.600 giờ nắng/năm. Đây là cơ sở vững chắc cho ngành công nghiệp điện mặt trời ở Việt Nam đủ điều kiện phát triển, đạt được những thành tựu bước đầu đáng kể.

Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua đã khiến cho nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm. Tuy nhiên, lĩnh vực điện năng đang chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Thiếu hụt nguồn cung cấp điện của Việt Nam cũng đang gia tăng, đặc biệt là vào mùa khô do sự phụ thuộc quá lớn vào thủy điện.

Tiềm năng điện mặt trời tốt nhất ở các vùng Thừa Thiên Huế trở vào Nam và vùng Tây Bắc, gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai… và vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có năng lượng mặt trời khá lớn. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 300 đến 500 cal/cm2.ngày.

Số giờ nắng trung bình cả năm của các tỉnh phía Bắc trong khoảng 1.800 đến 2.100 giờ. Như vậy, miền Bắc nước ta có thể sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, do có sự bức xạ mặt trời nhiều hơn mùa đông nên mùa hè sử dụng thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời đạt hiệu quả cao hơn.

Còn ở miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào, năng lượng mặt trời rất tốt và phân bố tương đối điều hòa trong suốt cả năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện dùng cho sinh hoạt. Đây là khu vực ứng dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả. Trong đó TP. Hồ Chí Minh với nguồn "tài nguyên nắng” dồi dào, có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng lực lượng sản xuất… đang trở thành một trung tâm có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời nhất trong cả nước. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là một “điểm tựa”, đột phá cho ngành công nghiệp điện mặt trời Việt Nam.

Trên thực tế, chúng ta đã thực hiện có hiệu quả nhiều dự án điện mặt trời. Điển hình là Dự án điện mặt trời nối lưới đầu tiên ở Việt Nam trên nóc tòa nhà Bộ Công Thương. Dự án có công suất 12kWp gồm 52module x 230Wp. Sử dụng pin của hãng SolarWorld, do CHLB Đức tài trợ, Công ty Altus của Đức và Trung tâm Năng lượng mới ĐHBK Hà Nội kết hợp triển khai.

Tiếp đến là Dự án Phát điện hỗn hợp Pin mặt trời - Diesel ở thôn Bãi Hương, Cù Lao Chàm, Quảng Nam. Dự án gồm có 166 tấm pin mặt trời công suất 28KW và 2 máy phát có tổng công suất 20KW do Công ty Systech lắp đặt. Tổng vốn đầu tư 412.000 USD trong đó Chính phủ Thụy Điển tài trợ 332.000 USD, còn lại do tỉnh Quảng Nam đầu tư.

Có thể kể thêm nhiều dự án khác như Dự án dàn pin mặt trời tại Trung tâm Y tế Tam Kỳ (Quảng Nam). Công suất 3kWp, trị giá 720 triệu đồng. Do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 50%; Dự án tại Xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Công suất 11kWp, trị giá 160.000USD; Dự án Pin mặt trời cho các đảo Trường Sa, hiện có tới 4.093 tấm pin mặt trời 220wp; Dự án thử nghiệm “Ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa”. Dự án được thực hiện trong thời gian 24 tháng với tổng kinh phí đầu tư 5,8 tỷ đồng....

Theo các chuyên gia năng lượng, điện mặt trời là đích tới của loài người trong 20-30 năm tới, đó cũng là một thời gian tối thiểu để xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện mặt trời của Việt Nam. Và Việt Nam cần phải trở thành một nước có nền công nghiệp năng lượng mặt trời tiên tiến, có sức cạnh tranh trên thế giới, dựa trên chính tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào của mình. Tiềm năng này còn rất lớn với trên 80% năng lượng bức xạ mặt trời chưa được khai thác, sử dụng.

Phạm Văn