Nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy, quy mô thị trường của ngành dầu thực vật Việt Nam đã đạt khoảng 20.700 tỷ đồng vào năm 2013 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7,4% về sản lượng và 12% về giá trị. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này của người Việt Nam được dự báo còn tăng cao hơn nữa, đạt 8% trong giai đoạn 2011 - 2020 mức cao nhất trong khu vực châu Á. Một số doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong thời gian gần đây luôn có mức tăng trưởng từ 20% - 30%.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sản lượng dầu thực vật tinh luyện của Việt Nam trong năm 2013 đạt 718.000 tấn các loại, tăng 1,35% so với năm 2012. Sản lượng dầu thực vật tinh luyện năm 2014 của Việt Nam tạm tính đạt 774.000 tấn các loại và dự báo sẽ tăng mạnh lên mức 850.000 tấn vào năm 2015.
Điều kiện thu nhập ngày càng được cải thiện, nhận thức của người tiêu dùng về các loại dầu thực vật ngày càng tăng cùng với sự đô thị hóa cao và công nghệ phát triển giúp sản xuất ra các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe khiến cho nhu cầu về các sản phẩm dầu thực vật tinh luyện tăng nhanh qua các năm. Mức tiêu thụ dầu thực vật bình quân của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ mức 3,75 kg/người/năm vào năm 2005 lên 7,9 kg/người/năm vào năm 2011 và ước đạt 14,5 kg/người/năm trong năm 2015.



Theo Quy hoạch phát triển ngành dầu ăn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 1,68 - 2,13 triệu tấn dầu tinh luyện các loại, 320 - 520.000 tấn dầu thô và xuất khẩu 80.000 tấn dầu các loại. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật năm 2020 sẽ tăng lên 16,2 - 17,4 kg/người/năm và vào năm 2025 là 18,6-19,9 kg/người/năm.
Ngành công nghiệp dầu thực vật Việt Nam hiện sử dụng cả hai loại sản phẩm là dầu thô được sản xuất trong nước (chủ yếu từ vừng, lạc và cám gạo) và các loại dầu thô và tinh luyện nhập khẩu (chủ yếu là dầu cọ và dầu nành) cho quá trình sản xuất. Phân loại dầu ăn chính tại Việt Nam được chia thành 4 nhóm như sau:
1. Dầu ăn: Loại dầu phổ biến nhất với thành phần chính là dầu cọ olein tinh luyện và một ít olein pha trộn với dầu đậu tương;
2. Dầu salad: Loại dầu có chất lượng và giá trị cao, bao gồm các loại dầu tinh khiết là dầu mè, dầu đậu phộng, dầu đậu tương, dầu cám gạo, dầu ô liu nhập khẩu, dầu canola, dầu ngô, v.v...;
3. Dầu dinh dưỡng: Loại dầu được bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin A, D, E, DHA;
4. Dầu rắn (chất béo thực vật): Loại dầu này bao gồm mỡ rán, bơ làm bánh, bơ thực vật, v.v...
Các loại dầu thực vật phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam là dầu cọ (thành phần chính trong dầu thực vật), dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu mè, dầu đậu phộng, dầu hướng dương và dầu hạt cải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam chỉ sản xuất được các loại dầu đậu nành, dầu đậu phộng, dầu mè… vốn chỉ chiếm khoảng 30% nhu cầu thị trường; còn lại, dầu cọ - chiếm khoảng 70% nhu cầu thị trường thì Việt Nam phải nhập khẩu đến 90% do thiếu nguồn cung.


Tiềm năng thị trường dầu ăn ở mức cao là yếu tố thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dầu ăn nhưng hiện tại ngành dầu ăn đang vướng phải những khó khăn không dễ tháo gỡ ngay lập tức, bao gồm: phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa so với doanh nghiệp nước ngoài còn kém.