Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Bắc, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Quá trình phát triển công nghiệp của Thủ đô trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội, sự nghiệp phát triển công nghiệp của cả nước, của vùng Bắc bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Là một thành phố công nghiệp lớn, Hà Nội ngày càng phát huy được những lợi thế của mình. Thị trường tiêu thụ rộng, nguồn nhân lực dồi dào, có hàm lượng chất xám cao, Hà Nội cũng là trung tâm của sự phát triển khoa học công nghệ. Với những thế mạnh này, các ngành công nghệ cao, hàm lượng khoa học công nghệ lớn, có điều kiện để phát triển, kéo theo sự phát triển của các phân ngành khác như: công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp…

Trong giai đoạn tới, Hà Nội phấn đấu đưa tỷ trọng GDP đạt khoảng 10% vào năm 2010; 12% vào năm 2015; 14% vào năm 2020 và 18% vào năm 2030.  Thành phố chủ trương phát triển theo hướng Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp ở trình độ tiên tiến; dịch vụ chất lượng cao và trình độ cao, đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế Thủ đô; hình thành rõ nét các yếu tố của kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: công nghệ tin học (cả phần mềm và phần cứng), công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành và sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao: công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hoá mỹ phẩm....  Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn và với các địa phương khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghiệp Thủ đô. Nhờ đó, hình thành sự phân công sản xuất, tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm. Thực hiện phân công hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước về phát triển công nghiệp vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch toàn ngành Công nghiệp. Những ngành sử dụng nhiều lao động, có nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn sẽ dịch chuyển dần về các tỉnh lân cận và vùng ngoại ô. Những ngành gây ô nhiễm môi trường sẽ không được khuyến khích phát triển. Những doanh nghiệp thuộc ngành nghề này phải chuyển vào các khu công nghiệp để tập trung đầu mối xử lý chất thải. Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống, phù hợp với quy hoạch mở rộng Thành phố và với toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đến năm 2030, công nghiệp Hà Nội đa số sẽ là các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thiết kế chế tạo thử nghiệm sản phẩm mới và văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn. Ngành công nghiệp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến sâu với công nghệ và thiết bị hiện đại, các sản phẩm của công nghiệp Hà Nội có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế; có khả năng cạnh tranh và đáp ứng được mọi tiêu chuẩn tiên tiến của các nước phát triển. Chuyên ngành điện tử, công nghệ thông tin và cơ khí chế tạo, cơ điện tử là các ngành công nghiệp chủ lực, chi phối. Các ngành công nghiệp khác, tuy có vị trí thấp nhưng với những sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Hà Nội phát triển gắn liền với khoa học công nghệ tiên tiến và bản sắc văn hoá Hà Nội.

Theo đề án quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội ưu tiên xây dựng ngành công nghiệp Điện tử – công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Phấn đấu để thành phố Hà Nội trở thành một trung tâm của cả nước, của vùng Đồng bằng sông Hồng về thiết kế sản phẩm, sản xuất phần mềm, sản xuất linh kiện, thiết bị và các dịch vụ điện tử – tin học trên cơ sở phát huy tiềm năng của mọi thành phần kinh tế trên địa bàn. Tiếp tục phát triển phương thức chế tạo các thiết bị điện tử, tin học, tiếp nhận công nghệ và đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu; đồng thời tăng cường liên kết với các tập đoàn điện tử, tin học lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tăng năng lực sản xuất linh kiện trong nước, kể cả những linh kiện điện tử chính như các chíp điện tử, bo mạch, màn hình; khẩn trương nâng cao tỷ lệ nội địa hoá các thiết bị điện tử – tin học. Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị phần các thiết bị điện, điện tử, dây dẫn và vật liệu cho ngành Điện do Hà Nội sản xuất. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm điện tử – tin học mang thương hiệu Hà Nội.

Tiếp theo là ngành Cơ khí. Hà Nội ưu tiên phát triển sản xuất các loại động cơ nhỏ, các sản phẩm điện cơ, cơ khí chính xác, dụng cụ học tập, dụng cụ thí nghiệm, các chi tiết máy hiện đại, các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, máy móc, thiết bị văn phòng. Một trong những vấn đề quan trọng của ngành Cơ khí Thủ đô là chú trọng vào việc phát triển khâu nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mới theo hướng gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa các Viện, trường với doanh nghiệp; gắn các chương trình nghiên cứu quốc gia với phát triển các sản phẩm trọng điểm.

Hà Nội là một thị trường lớn, đồng thời có một đội ngũ cán bộ có trình độ, có khả năng phát triển ngành công nghiệp dược và công nghiệp hoá mỹ phẩm. Do vậy, Hà Nội cũng ưu tiên phát triển ngành hoá dược và hoá mỹ phẩm thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, đi ngay vào công nghệ hiện đại. Xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nghiên cứu cơ bản cho công nghiệp hoá dược. Kết hợp tốt công nghệ sản xuất tiên tiến với hiện đại hoá sản xuất các sản phẩm đông dược.

Đối với ngành Chế biến thực phẩm, đồ uống, Hà Nội chủ trương phát triển theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá sản phẩm, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn và trong vùng, đồng thời tăng nhanh sản lượng xuất khẩu. Trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất những sản phẩm có thương hiệu, có uy tín phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của nhân dân Thủ đô và các tỉnh thành trong cả nước. Chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Thủ đô phục vụ cho khách du lịch. Kết hợp với các tỉnh trong vùng Bắc Bộ để phát triển các vùng nguyên liệu và bố trí nhà máy chế biến phù hợp với quy hoạch vùng, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành Dệt – May, Hà Nội sẽ tập trung vào việc phát triển các trung tâm cung cấp dịch vụ, trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu thời trang cao cấp, làm tổng đại lý. Trong giai đoạn tiếp theo, ngành Dệt - May phát triển chủ yếu theo chiều sâu, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh trong vùng để mở rộng, phát triển sản xuất. Định hướng sau năm 2010, ngành May không phát triển thêm các cơ sở may thông thường, định hướng dịch chuyển sang các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương…, nơi có quy hoạch tập trung cho ngành Dệt - May. Với phân ngành Dệt, cần tập trung vào sản xuất sản phẩm cao cấp theo công nghệ mới, hiện đại không gây ô nhiễm môi trường. Đối với phân ngành Da - Giầy sẽ hướng vào 3 nhóm sản phẩm chính là giày thể thao, giày dép da và túi cặp. Tập trung đầu tư máy móc thiết bị chuyên dùng, công nghệ hiện đại, coi trọng thiết kế mẫu mã để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong nước và thế giới, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu. Thời gian tới, ngành Dệt May - Da Giầy Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tỉnh lân cận để phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, giao thông của các địa phương; đồng thời chuyển giao máy móc thiết bị của Hà Nội về các vùng phụ cận.

Nhiều năm nay, ngành Vật liệu xây dựng, trang trí nội thất cao cấp ở Hà Nội phát triển khá mạnh. Vì vậy, trong giai đoạn tới, để đẩy mạnh tốc độ phát triển của ngành hơn nữa, các doanh nghiệp Hà Nội cần đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp phục vụ xây dựng và trang trí nội thất như: vật liệu nhẹ, tấm kết cấu 3D, sản phẩm ốp lát, gốm, sứ xây dựng; các loại vật liệu mới ứng dụng công nghệ nano như kính chống va đập, kính chống mờ.....

Một trong những vấn đề quan trọng của Hà Nội trong việc phát triển công nghiệp theo lãnh thổ là giải quyết các khu tập trung công nghiệp được hình thành từ những năm 1960 - 1970. Hà Nội đẩy nhanh công tác di dời những cơ sở sản xuất, bộ phận doanh nghiệp có mức độ gây ô nhiễm cao, điều kiện sản xuất không thích hợp như dệt nhuộm, hóa chất, thuốc lá… ra các địa điểm phù hợp quy hoạch, đồng thời đổi mới công nghệ và đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Đối với những doanh nghiệp còn nằm trong nội thành, cần chú trọng áp dụng công nghệ sạch, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình xử lý nước thải công nghiệp.

Bên cạnh việc di dời các các doanh nghiệp trong nội đô, Hà Nội còn chú trọng đầu tư vào các KCN tập trung và các cụm CN vừa và nhỏ mới được quy hoạch và xây dựng, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các KCN một cách có chọn lọc theo hướng tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có tỷ trọng tri thức, hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sạch hoặc không độc hại, có quy mô đầu tư lớn. Đặc biệt khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Không cấp phép cho các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, ảnh hưởng tới môi trường. 

  • Tags: