Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, diện tích 1.524 km2, dân số trên 1,8 triệu người. Mật độ dân số đạt 1.200 người/km2, là tỉnh có mật độ dân số cao thứ 3 trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2005 là 5,7 triệu đồng/người/năm). Là tỉnh không thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, vùng nguyên, nhiên, vật liệu… để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Do vậy, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo với quan điểm phát triển nhanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nghề và làng nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đến năm 2006, toàn Tỉnh đã quy hoạch được 8 khu công nghiệp với diện tích 1.239 ha trong đó Khu công nghiệp Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh cơ bản đã được lấp đầy; chỉ đạo các huyện quy hoạch 17 cụm công nghiệp tập trung với diện tích 765 ha. Thu hút được 234 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 4.959 tỷ đồng, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động. Thực hiện NQ 01/TU-TB của Tỉnh ủy khóa 16 về phát triển nghề và làng nghề, hiện nay trên địa bàn Tỉnh có 186 làng nghề/8 huyện, thành phố, giải quyết được 157.000 lao động nông thôn với thu nhập tương đối ổn định.
Do tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 của Tỉnh đạt 4.087 tỷ đồng tăng 23,5% so với năm 2005, chiếm 96,7% kim ngạch xuất khẩu toàn Tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng năm 2000 là 15,04% tăng lên 22,86% (năm 2005); tỷ trọng lao động công nghiệp – xây dựng từ 8,9% năm 2000 lên 19,5% (năm 2005); dịch vụ tăng từ 30,92% (năm 2000) lên 34,87% (năm 2005) và giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 54,04% (năm 2000) xuống 42,27% (năm 2005). Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, tạo được sản phẩm có thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường như: Nước khoáng Vital, bia Đại Việt, gạch men Long Hầu, thủy tinh pha lê Việt Tiệp.
Tuy nhiên, công nghiệp Thái Bình chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ của công nghiệp địa phương, nên chất lượng chưa cao. Một số khu công nghiệp đã được quy hoạch nhưng hạ tầng kỹ thuật chậm được xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm chưa phát triển, sản xuất của một số làng nghề ở trình độ chưa cao, chưa tạo ra thương hiệu làng nghề, chưa có nhiều doanh nghiệp trong làng nghề để cung ứng nguyên liệu thu hóa sản phẩm làng nghề, môi trường làng nghề đang dần bị ô nhiễm.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong thời gian tới, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ban hành NQ 04/NQ-TU ngày 20/11/2006 để chỉ đạo thống nhất phát triển công nghiệp trong toàn Tỉnh với phương hướng chung là:
+ Phát triển công nghiệp liên tục với tốc độ cao và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
+ Phát triển công nghiệp theo 2 hướng: Công nghiệp tập trung và phát triển nghề và làng nghề, gắn với phát triển các doanh nghiệp công nghiệp.
Mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 là:
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 27% trở lên. Đến 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.968 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế của tỉnh đạt: Công nghiệp – xây dựng 37%, thương mại dịch vụ 33%, nông nghiệp giảm còn 30%.
Tỷ trọng lao động công nghiệp xây dựng cơ bản đạt 30% trong cơ cấu lao động của Tỉnh.
Mục tiêu phát triển công nghiệp năm 2007 là:
+ Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 25,5%
+ Quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có 2.000 ha đất giao cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp.
+ Phát triển thêm 10 – 15 làng nghề, du nhập 2-3 làng nghề mới.
Nghị quyết cũng đề ra một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân từ một tỉnh thuần nông sang phát triển công nghiệp dịch vụ. Từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và về mặt bằng cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương.
2. Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề. Phấn đấu đến năm 2010, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, 8 khu công nghiệp với diện tích 1.044 ha, 16 cụm công nghiệp với diện tích 720ha để thu hút đùa tư phát triển công nghiệp.
3. Đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, tập trung các lĩnh vực có lợi thế của Tỉnh về lao động, vùng nguyên liệu như: công nghiệp điện, điện tử, tin học; công nghiệp da giày, dệt may; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất phân bón; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng;… ưu tiên các dự án có quy mô lớn, kỹ thuật cao và đóng góp nhiều cho ngân sách.
4. Đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề. Phấn đấu 100% các xã có nghề, phát huy các làng nghề truyền thống: thêu, mây tre đan, chạm bạc, dệt đũi, dệt sợi, tơ tằm, sản xuất bánh cáy… đầu tư chiều sâu công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, xây dựng các thương hiệu làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái làng nghề nông thôn. Tiếp tục du nhập các nghề mới và gắn với phát triển doanh nghiệp trong làng nghề, xem xét tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề để giữ nghề ở các địa phương. Để thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề trong nông thôn từ năm 2003 đến nay, hàng năm Tỉnh bố trí 3 tỷ đồng vốn khuyến công từ ngân sách địa phương để giúp đào tạo lao động, du nhập nghề, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề…
5. Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành Quyết định 01/QĐ-UB của UBND tỉnh ngày 02/02/2007 về một số chính sách đầu tư tại Thái Bình, tạo ra điều kiện thuận lợi thống nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.
6. Đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh đầu tư phát triển công nghiệp; thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư và phát triển công nghiệp để nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước theo hướng phục vụ dân, phục vụ doanh nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Với những giải pháp chủ yếu trên, cùng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Tỉnh, chắc rằng công nghiệp Thái Bình sẽ có hướng phát triển mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của Tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.