1. Tiềm năng đất:

Tổng diện tích đất tự nhiên của Hòa Bình là 474.942 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 15,25%, đất lâm nghiệp chiếm 46,51%, đất chuyên dùng 7,13%, các loại đất khác chiếm 31,1%. Do đặc điểm địa hình và khí hậu nên đất đai Hòa Bình chia thành hai vùng rõ rệt:

- Vùng núi cao trung bình: Gồm đất feralít vàng đỏ có hàm lượng mùn 6 - 7%; Do độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, vùng này rất thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp.

- Vùng đồi và núi thấp: Gồm đất feralít vàng đỏ và vùng cỏ thứ sinh, trong đó, đất bạc màu chiếm 45 - 80%. Vùng ven sông Đà và các suối khác do hàng năm được bồi một lớp phù sa khá dày nên rất thuận lợi cho việc trồng lúa, trồng màu.

2. Tiềm năng nước:

Do địa hình bị chia cắt mạnh nên sông suối ở Hòa Bình thường dốc và ngắn. Mùa hè mưa nhiều, mực nước sông suối lên cao, chảy xiết gây ra lụt lội, ảnh hưởng đến nông nghiệp và giao thông trong vùng. Mùa đông thiếu nước, lượng nước ở các sông suối giảm mạnh, có nhiều suối nhỏ bị khô cạn. Hiện nay, Hòa Bình có 4 hệ thống sông chính:

- Sông Đà: Bắt nguồn từ vùng núi cao Vân Nam - Trung Quốc, chảy qua vùng Tây Bắc, đoạn này lòng sông hẹp, lắm thác ghềnh; Đến địa phận tỉnh Hòa Bình lòng sông rộng, thác giảm nhiều, đáng kể nhất là Thác Bờ. Sông Đà chảy trên đất Hòa Bình với chiều dài 103 km, đến thị xã Hòa Bình, sông Đà chảy ngược lên hướng Bắc. Hồ sông Đà (hồ Hòa Bình) có dung tích 9,5 tỷ m3 nước, phục vụ nhiều mục tiêu kinh tế và quốc phòng. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ phát điện của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - nguồn cung cấp điện năng quan trọng cho cả nước; Ngoài ra, hồ sông Đà còn có nhiệm vụ cắt lũ về mùa mưa, điều tiết nước chống hạn về mùa khô cho đồng bằng châu thổ sông Hồng.

- Sông Bôi: Bắt nguồn từ xã Thượng Tiến thuộc huyện Kim Bôi. Sông dài khoảng 60 km, chảy qua nhiều dãy núi đá vôi phía nam của tỉnh Hòa Bình rồi đổ vào sông Hoàng Long của tỉnh Ninh Bình.

- Sông Bưởi: Bắt nguồn từ huyện Tân Lạc, Lạc Sơn do các suối Lồ, suối Cái, suối Nhân Nghĩa, suối Yên Phú và nhiều con suối nhỏ khác hội lưu ở thị trấn Vụ Bản (huyện Lạc Sơn) rồi chảy sang tỉnh Ninh Bình. Sông dài khoảng 38 km, lòng sông hẹp, nên vào mùa mưa thường gây ra lụt lội ở hai bên bờ.

- Sông Mã: Đoạn chảy qua địa giới tỉnh Hòa Bình là từ xã Hang Kia đến xã Vạn Mai của huyện Mai Châu. Hầu hết, các suối phía nam huyện Mai Châu đều đổ ra sông Mã.

Với hệ thống sông, suối nhiều, trữ lượng lớn, Hòa Bình có điều kiện phát triển thủy điện nhỏ trên phạm vi rộng, trong đó phải kể đến nguồn năng lượng rất lớn của sông Đà. Năm 1979, với sự giúp đỡ của Liên Xô (trước đây), công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được khởi công xây dựng. Sau khi hoàn thành vào năm 1994, thủy điện Hòa Bình trở thành công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam á với 8 tổ máy có công suất 240 MW, tổng công suất 1.920 MW, sản lượng điện bình quân đạt 8,16 tỷ kWh/năm.

3. Tiềm năng khoáng sản:

Trong lòng đất Hòa Bình có chứa nhiều loại khoáng sản quý như: Than, kẽm, amiăng, diêm trắng, vàng, đá vôi,... Trong đó, đáng chú ý là than mỡ ở Kim Bôi có trữ lượng tương đối lớn, là nguyên liệu rất cần cho nghề luyện kim. Vàng sa khoáng có rải rác tại nhiều địa bàn trong Tỉnh. Ngoài ra, Hòa Bình còn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, có thể khai thác phát triển công nghiệp và xây dựng như đá granít (trữ lượng khoảng 8,1 triệu m3), đá vôi (trên 700 triệu tấn), than đá (khoảng 01 triệu tấn); đá vôi (gần 10 triệu m3) phân bố ở các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy và thị xã Hòa Bình.

Nước khoáng cũng là nguồn tài nguyên quý của Hòa Bình, được phân bố ở các vùng Hạ Bì, Sào Báy (huyện Kim Bôi), Quý Hòa (huyện Lạc Sơn). Thành phần nước khoáng chia làm 02 loại: Nước khoáng Bicacbonat - Sunphatcanxi và nước khoáng Sunphatcanxi, nhiệt độ 37 - 41oC. Điểm nước khoáng Hạ Bì - Kim Bôi hiện đang được Liên đoàn Lao động Tỉnh tiến hành khai thác tại điểm lộ thiên và lỗ khoan để phục vụ cho việc tắm chữa bệnh và giải khát.

4. Tiềm năng phát triển nguyên liệu cho công nghiệp chế biến:

Rừng của Hòa Bình rất lớn và quý giá nhất của Tỉnh, có diện tích trên 200 nghìn ha với hệ thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại gỗ có giá trị lớn như: Lim, táu sến, chò chỉ, nghiến, lát hoa,... Trong rừng còn có nhiều loại cây cho củ, quả, nuôi sống con người và làm thuốc chữa bệnh. Hiện nay, rừng Hòa Bình có 400 loài cây thuốc có giá trị. Rừng tự nhiên có diện tích trên 150 nghìn ha với trữ lượng gỗ khoảng 2,32 triệu m3; Diện tích rừng trồng gần 50 nghìn ha với trữ lượng gỗ khoảng 5 triệu m3, phục vụ ngành chế biến bột giấy, ván sàn, ván ép. Nằm trong khu vực giáp ranh của 03 khu hệ động vật của miền Bắc là khu hệ Tây Bắc, khu hệ Trường Sơn Bắc và khu hệ Đông Bắc, hệ động vật của rừng Hòa Bình khá đa dạng. Trong đó, đa số các loài động vật (thú, chim, bò sát, ếch nhái) là những loài định cư.

Tuy đất nông nghiệp chỉ chiếm 14,32% diện tích tự nhiên tỉnh Hòa Bình, nhưng rất phù hợp với nhiều loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như: Lúa nước, cây lương thực (ngô, khoai, sắn,...), cây công nghiệp (đậu, lạc, mía tím, mía đường, chè,...) và các loại cây ăn quả (nhãn, vải, dứa, cam,...). Trong đó, mía tím, chè Shan Tuyết là hai loại cây đặc sản của Tỉnh. Hòa Bình đang tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển, ổn định diện tích lúa cả năm 41,5 nghìn ha, 3.000 ha mía nguyên liệu, 3.000 - 4.000 ha chè (trong đó, 1.000 ha chè Tuyết), 3.000 - 5.000 ha dứa nguyên liệu, 10 - 12 nghìn ha cây ăn quả. Tiềm năng phát triển chăn nuôi của Hòa Bình cũng đáng kể, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà với số lượng lớn, ngoài ra phải kể đến một số vật nuôi mới như: Dê, bò sữa,... Với hệ thống sông, suối, ao, hồ phân bố tương đối đều, đặc biệt là hồ sông Đà với lưu vực rộng, diện tích mặt nước lớn với chất lượng nước cao đã trở thành lợi thế cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

5. Tài nguyên du lịch: Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú, Hòa Bình còn có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch. Thiên nhiên và bàn tay lao động của nhân dân các dân tộc đã tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú như: Hang Trại (huyện Lạc Sơn), hang Đồng Nội (huyện Lạc Thủy), với những dấu tích của văn hóa Hòa Bình, những bản làng của đồng bào Thái (bản Lác, bản Poom Coọng ở huyện Mai Châu), đồng bào Mường (bản Giang Mỗ, huyện Cao Phong). Suối nước khoáng Kim Bôi (huyện Kim Bôi) vừa là điểm du lịch, điều dưỡng, vừa là nguồn nguyên liệu có giá trị cung cấp cho ngành sản xuất nước giải khát. Đặc biệt, công trình thủy điện Hòa Bình - “công trình thế kỷ” và hồ thủy điện Hòa Bình có nhiều cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn. Những cảnh quan trên cùng với những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hòa Bình (hàng thổ cẩm, rượu cần Hòa Bình,...) là nguồn “tài nguyên quý giá” để Hòa Bình phát triển ngành du lịch.

6. Kết cấu hạ tầng:

Ngoài các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12B, quốc lộ 2 và đường 12B, Hòa Bình còn có các tuyến giao thông đường thủy trên sông Đà và sông Bôi. Mạng lưới giao thông nội tỉnh và giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, góp phần tăng cường khả năng giao lưu phát triển kinh tế giữa các địa phương trong Tỉnh và các tỉnh trong vùng và cả nước. Mạng lưới điện không ngừng được cải tạo, nâng cấp. ánh sáng điện đã về 100% xã trong Tỉnh, 87% hộ dân được sử dụng điện. Cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông và thông tin liên lạc phát triển khá nhanh và đang từng bước hiện đại hóa. Kết cấu hạ tầng các ngành dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế  xã hội.

Mạng lưới y tế, giáo dục - đào tạo của Hòa Bình khá phát triển. Kết thúc năm học 2004 - 2005, toàn Tỉnh có 182 trường mầm non; 215 trường tiểu học; 27 trường phổ thông cơ sở; 200 trường trung học cơ sở; 33 trường trung học phổ thông; 11 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị xã; 01 trung tâm giáo dục thường xuyên Tỉnh; 01 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; 01 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 01 trường cao đẳng sư phạm, 01 trường trung học kinh tế - kỹ thuật; trên 90 trung tâm học tập cộng đồng. Hoạt động khám, chữa bệnh tuyến bệnh viện không ngừng được củng cố. Đến năm 2005, tỉnh Hòa Bình có 01 bệnh viện đa khoa, 01 bệnh viện y học dân tộc, 11 trung tâm y tế và các phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám tư trải đều trên các cụm dân cư, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

  • Tags: