Hiện nay, hàng loạt các tiêu chuẩn tự nguyện cho thủy hải sản đã và đang được áp dụng trên thế giới như ASC, MSC, GlobalGAP, BAP...tuy nhiên, quá nhiều các tiêu chuẩn đã khiến các nhà sản xuất và XK thủy sản ở các nước lúng túng giữa các tiêu chuẩn và phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng và không dễ dàng thực hiện với các tiêu chí trong các tiêu chuẩn khác nhau này.
Đây là một vấn đề khiến cho các nhà sản xuất, XK, các chuyên gia thủy sản đặc biệt quan tâm và tìm giải pháp tháo gỡ.
Với mục đích hài hòa các tiêu chuẩn và tháo gỡ sự lúng túng giữa các tiêu chuẩn khác nhau, năm 2013, đại diện các nhà sản xuất và XK tôm ASEAN đã thống nhất ý tưởng xây dựng Bộ tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN. Tại cuộc họp tháng 12/2013 tại Thái Lan, đại diện các nước thành viên ASEAN nhất trí xây dựng các tiêu chuẩn tôm ASEAN dựa trên nguyên tắc hài hòa các tiêu chuẩn chứng nhận của nước thành viên và tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế khác.
Bộ tiêu chuẩn sẽ được xây dựng dựa vào thực tế của ASEAN và có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước sản xuất tôm trong khu vực cũng như cho các nhà NK và người tiêu dùng.
Bộ tiêu chuẩn này sẽ vừa sức hơn đối với các nhà sản xuất tôm trong khu vực ASEAN trong khi người tiêu dùng trên thế giới dễ dàng hơn trong lựa chọn sản phẩm chất lượng và an toàn trong hàng loạt sản phẩm với các chứng nhận khác nhau.
Tôm nuôi là một trong những loài thủy sản được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Theo ước tính, sản lượng tôm nuôi toàn cầu đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tấn, trong đó khu vực ASEAN dẫn đầu. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Myanmar là các nước sản xuất tôm chính trong khu vực này với sản lượng trung bình đạt từ 300.000 - 600.000 tấn/nước. Là nguồn cung chính cho thị trường thế giới, tôm ASEAN có ảnh hưởng lớn tới nguồn cung và tiêu thụ toàn cầu. Năm 2013 vừa qua, EMS (Hội chứng tôm chết sớm ) tấn công ngành tôm của một số nước trong khu vực này khiến nguồn cung tôm toàn cầu sụt giảm, giá tăng nhanh chóng, và thị trường “đảo lộn”.
Hy vọng Bộ tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nước sản xuất tôm trong khu vực cũng như góp phần củng cố thêm sức cạnh tranh cho các sản phẩm tôm từ khu vực này trên thị trường thế giới.