Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam sang Australia. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chú trọng nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,37 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Australia hiện đang là 1 trong 10 thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt trên 66,7 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thương mại quốc tế cũng đã thống kê rằng, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Australia trong 3 tháng đầu năm đạt 362,8 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ một số thị trường chính như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia.
Australia là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam“Người tiêu dùng Australia có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm nội thất với chi phí thấp. Trong khi các nhà sản xuất sở tại không thể cạnh tranh được về giá với các sản phẩm nhập khẩu do nhân công lao động và chi phí đầu vào cao. Đáng chú ý, người tiêu dùng Australia rất cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu, không quá coi trọng nguồn gốc xuất xứ, chỉ quan tâm tới yếu tố như chất lượng, kiểu dáng và giá cả”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia chia sẻ.
Thêm một tin vui mà Thương vụ Việt Nam cung cấp là Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ thương mại đối với các mặt hàng từ gỗ được khai thác hợp pháp bằng việc ban hành Luật Cấm khai thác gỗ bất hợp pháp năm 2012 (Illegal Logging Prohibition Regulation 2012). Luật này được ban hành nhằm giảm thiểu việc đưa các sản phẩm được khai thác từ gỗ trái phép vào thị trường Australia, được áp dụng đối với toàn bộ các nhà nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ; và tất cả gỗ được khai thác, chế biến tại Australia.
Luật quy định, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ, bột giấy hoặc sản phẩm giấy vào Australia phải thực hiện việc khảo sát tính hợp pháp, bao gồm việc thu thập thông tin và đánh giá nguy cơ có phải gỗ trong các sản phẩm này là loại khai thác trái phép hay không. Trừ trường hợp nguy cơ thấp, các doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm thiểu nguy cơ này. Luật này áp dụng đồng đều đối với nhà chế biến gỗ thô thu hoạch tại Australia.
Luật này không có hiệu lực đối với các đối tác thương mại của Australia mà chỉ áp đặt các yêu cầu đối với doanh nghiệp nhập khẩu vào Australia và tìm cách giảm thiểu nguy cơ gỗ đã khai thác bất hợp pháp được đưa vào thị trường Australia.
Tuy nhiên, nếu cung cấp gỗ, bột giấy hoặc sản phẩm giấy cho khách hàng tại Australia, doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải cung cấp thêm thông tin về sản phẩm của mình, có thể là thông tin về gỗ trong sản phẩm, nơi thu hoạch và bất kỳ văn bản hay giấy tờ nào khác có thể chứng minh tính hợp pháp của mặt hàng. Đây là những yếu tố doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu gỗ vào Australia phải chú trọng nếu muốn xuất khẩu thành công sang Australia.
Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tăng, cùng với vị trí địa lý thuận lợi và ưu đãi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) mang lại, cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang thị trường Australia trong thời gian tới là tương đối lớn.
Tuy nhiên, để nắm bắt được tốt cơ hội này, doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cần nâng cao công nghệ, tích cực tìm hiểu, đổi mới mẫu mã hàng hóa cho phù hợp thị hiếu tiêu dùng tại thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.