Theo Ủy ban bán hàng trực tiếp thế giới (World Federation of Direct Selling Associations - WFDSA), kênh bán hàng trực tiếp khác với kênh bán lẻ thông thường ở chỗ, nó không chỉ là cách để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ đến tay người tiêu dùng, mà còn là cơ hội để những người có đầu óc kinh doanh có thể làm việc độc lập để khởi nghiệp với chi phí đầu tư thấp.
Thế nào là bán hàng đa cấp chân chính?
Năm 2004, lần đầu thuật ngữ “bán hàng đa cấp” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh. Hơn 10 năm sau, theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, tính đến hết năm 2015, cả nước có 67 doanh nghiệp được cấp phép bán hàng đa cấp.Theo số liệu mới nhất tính đến tháng 10/2017, chỉ còn 36 công ty bán hàng đa cấp được cấp phép đủ điều kiện hoạt động.
Điểm khác biệt lớn giữa công ty bán hàng đa cấp chân chính so với các công ty đa cấp biến tướng là có chương trình trả thưởng đúng luật, có bộ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh được triển khai thực hiện, và giám sát công khai, minh bạch. Song song đó là chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng minh bạch, hàng hóa đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên thế giới cũng có một Bộ quy tắc đạo đức trong ngành Bán hàng trực tiếp, buộc các Hiệp hội Bán hàng trực tiếp của các quốc gia phải thực hiện hoặc phải có các quy tắc tương đương. Các công ty thành viên của Hiệp hội cũng phải tuân thủ bộ quy tắc này. Còn theo Bộ quy tắc đạo đức được xây dựng bởi Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cũng như Hội doanh nghiệp bán hàng trực tiếp thuộc Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp không được quảng cáo sai lệch về sản phẩm, không lôi kéo người tham gia ngoài mục đích bán hàng. Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không chỉ đào tạo về kỹ năng bán hàng mà còn phải đào tạo cho họ kiến thức pháp luật trong kinh doanh.
Quản lý chặt bán hàng đa cấp là cách để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp sẽ được điều chỉnh bằng khung pháp lý chặt chẽ hơn. Cụ thể, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ bị quản lý chặt từ khâu gia nhập thị trường, hoạt động và khâu rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp. Các quy định trong Nghị định nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bán hàng đa cấp cũng như doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời tạo môi trường kinh doanh ổn định và bình đẳng.
Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng xét thấy cần thắt chặt quản lý với loại hình kinh doanh đa cấp thông qua việc quy định thời hạn giấy phép. Theo đó, Nghị định mới quy định thêm hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5 năm (có thể được gia hạn). Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể rà soát các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh có tiến hành hoạt động và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngày 24/5/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung điều luật mới về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép. Đến chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua toàn bộ nội dung của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), trong đó có bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép.
Xử phạt nghiêm các công ty vi phạm, núp bóng bán hàng đa cấp
Thời điểm ra quyết định 1052/QĐ của Bộ Công Thương về việc thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp có thể coi là một quyết định rất kịp thời của Bộ trong việc kiểm tra giám sát hoạt động của ngành, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh các công ty bán hàng đa cấp hiện nay. Đồng thời những hoạt động kiểm tra giám sát từ các cơ quan quản lý sẽ giúp đưa cả thị trường bước sang một chiều hướng khác mà ở đó các doanh nghiệp phải cam kết minh bạch, kinh doanh uy tín, bền vững, góp vào quỹ thuế và GDP của quốc gia một cách tương xứng.
Hội thảo khoa học về mô hình bán hàng đa cấp tại Đại học Kinh tế TP HCM
“Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp núp bóng bán hàng đa cấp đã góp phần giúp môi trường kinh doanh ngành này được trong sạch hơn, tạo điều kiện cho các công ty bán hàng đa cấp chân chính củng cố niềm tin nơi người tham gia, người tiêu dùng, từ đó phát triển mạnh mẽ hơn”, đại diện Amway Việt Nam, một trong những công ty bán hàng trực tiếp có tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh và tuân thủ cao nhất cho biết.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và các địa phương, hoạt động bán hàng đa cấp đã có xu hướng giảm bớt màu sắc tiêu cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để có thể tạo ra một môi trường kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh.