TKV thực hiện nhiều giải pháp, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế

Năm 2018 được đánh giá là năm TKV tạo bứt phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến công tác chăm lo, tinh thần cho thợ mỏ.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 09/01/2019, Lãnh đạo Tập đoàn TKV cho biết, năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 121,7 ngàn tỷ đồng bằng 107 % kế hoạch và tăng 13 % so năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 780 triệu USD, tăng 36 % so với kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 1.000 tỷ so với thực hiện 2017. Nộp ngân sách Nhà nước: 16 ngàn tỷ đồng, tăng 1,2 ngàn tỷ đồng so với thực hiện năm 2017. Tổng tài sản năm 2018 là: 130 ngàn tỷ đồng. Tập đoàn và các Công ty thành viên đã bảo toàn và phát triển được vốn kinh doanh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

 

Những con số ấn tượng

 

Năm 2018 được đánh giá là năm khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV trên mọi hoạt động. Cụ thể:

Trong lĩnh vực sản xuất than: Kết thúc năm, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 36,95 triệu tấn, đạt 104 % so với kế hoạch, bằng 105 % so với năm 2017. Than tiêu thụ ước đạt: 40,5 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch và tăng 5 triệu so với thực hiện 2017. Than tiêu thụ: 40,5 triệu tấn bằng 112 % kế hoạch và bằng 115 % so với năm 2017; trong đó tiêu thụ than trong nước đạt 38,61 triệu tấn bằng 115 % thực hiện 2017 (bán cho hộ điện: 28,8 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện 2017), xuất khẩu đạt: 1,89 triệu tấn bằng 118 % so với 2017; than nhập khẩu: 771 ngàn tấn đạt 150 % so với kế hoạch.

Khối khoáng sản của TKV năm 2018 cũng đạt được những dấu ấn quan trọng với tổng doanh thu là 18,25 ngàn tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm trước, trong đó doanh thu từ sản phẩm alumin tăng 67%.

Đặc biệt sản xuất alumina tiếp tục khẳng định là mũi nhọn mới trong cơ cấu sản phẩm của Tập đoàn. Năm 2018, sản lượng Alumina (quy đổi) sản xuất và tiêu thụ là 1,31 triệu tấn, tăng trên 170 ngàn tấn so với thực hiện 2017. Giá trị kim ngạch xuất khẩu alumina đạt 520 triệu USD.

Ở với lĩnh vực sản xuất điện, trong năm qua sản lượng điện ước đạt 9,4 tỷ kwh bằng 100% kế hoạch năm. Nhiều đơn vị về đích trước kế hoạch như: Nhà máy Nhiệt điện Đông Triều, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn… doanh thu sản xuất điện toàn Tập đoàn đạt 12,51 ngàn tỷ đồng bằng 102,3 % kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2017.

Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh Vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo kế hoạch cả về sản lượng, chất lượng và doanh thu…

Cũng trong năm 2018, nhờ thực hiện có hiệu quả các chủ trương cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, nhờ vậy năng suất lao động tính theo giá trị toàn Tập đoàn đạt 1,1 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2017. Năng suất lao động tính theo sản lượng than 635 tấn/người -năm, tăng 15,7% so với năm 2017.

Tăng cường hiệu quả sản xuất ngay từ những ngày đầu năm 2019

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh kết quả đạt được trong năm 2018, TKV đang đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất. Nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là điện tăng cao. Theo đó, năm 2019 dự kiến sẽ cần 58 triệu tấn than cho phát điện; năm 2025, cần 90 triệu tấn và năm 2030, cần 130 triệu tấn than. 

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, TKV phải tạo bứt phá về chất lượng than. Than của TKV phải phối hợp với các loại than khác để đáp ứng với các công nghệ khác nhau của các hộ tiêu thụ. Để làm được điều này, TKV phải đổi mới công nghệ và sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, bảo vệ môi trường và tiết kiện nhân lực... 

Tại hội nghị, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV cho biết, năm 2019 mục tiêu chung của Tập đoàn là bám sát các chỉ đạo của Chính phủ như Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, các nhiệm vụ được giao của các bộ, ngành Trung ương....

Tập đoàn sẽ chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2006/QĐ-TTg, ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là đổi mới công nghệ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tinh giản lao động, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa để tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, hiệu quả, bền vững. 

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính năm 2019 của TKV là sản xuất đạt 40 triệu tấn than, tiêu thụ 42 triệu tấn. Ngoài ra, các ngành khoáng sản, sản xuất và kinh doanh điện, vật liệu nổ, cơ khí tăng trưởng ổn định. Doanh thu toàn Tập đoàn đạt 128.000 tỷ đồng. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 11,3 triệu đồng/người/tháng. 

lãnh đạo TKV
Lãnh đạo TKV phát biểu tại Hội nghị

 

Ông Đặng Thanh Hải bày tỏ, năm 2019 TKV phải đối mặt với không ít khó khăn do điều kiện sản xuất than ngày càng xuống sâu. Theo đó, chi phí sản xuất tăng cao; năng lực sản xuất, điều kiện việc làm còn hạn chế. Ngoài ra, Tập đoàn còn chịu áp lực thị trường tiêu thụ, cạnh tranh sản phẩm. Năm 2019 cũng là năm đầu tiên Tập đoàn sẽ phải nhập khẩu, pha trộn than với khối lượng lớn gần 5 triệu tấn trong điều kiện cung-cầu than thế giới biến động theo chiều hướng không thuận lợi cho nhập khẩu. Các điều kiện về logictics, cơ sở hạ tầng phục vụ pha trộn vẫn còn ở mức thấp. 

Việc gia tăng sản lượng than để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là cho sản xuất điện là yêu cầu cấp bách trong điều kiện các dự án hiện tại của Tập đoàn đã đưa vào huy động tối đa. Bên cạnh đó, các dự án mỏ mới chậm triển khai và vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính các năm trước, than dự trữ tồn kho ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. 

Chính vì thế, ngay từ cuối năm 2018, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2019 trên cơ sở bám sát thực tế nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh ngay từ tháng đầu năm.

Cụ thể, TKV điều hành sản xuất theo hướng gia tăng tối đa sản lượng than khai thác trên cơ sở đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời, tiến hành nhập khẩu than, dự tính trên 4 triệu tấn để pha trộn, chế biến, đảm bảo cung cấp đủ than theo hợp đồng mua bán đã ký kết với khách hàng. 

Để hoàn thành mục tiêu trên, TKV sẽ tiếp tục đưa khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực từ khai thác, sàng tuyển, chế biến. Coi khoa học công nghệ là chìa khóa để tăng năng suất lao động.

Cùng đó, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận công nghệ mới, tiến tới vận hành quản lý nguồn nhân lực bằng tin học hóa. Đặc biệt là ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò; chú trọng việc triển khai nghiên cứu áp dụng cơ giới hoá hạng nhẹ, để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nguy cơ mất an toàn. 

TKV sẽ phấn đấu đạt và vượt 15,5% sản lượng than khai thác bằng cơ giới hóa trong tổng sản lượng than hầm lò. Đối với sản xuất lộ thiên, đẩy mạnh sử dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn; nghiên cứu triển khai các hệ thống điều khiển tự động tổ hợp vận tải mỏ; triển khai áp dụng đồng bộ các hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động. 

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy sàng tuyển để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá thải. Ngoài ra, tiếp tục triển khai đầu tư các dự án trọng...  Cùng với đó, TKV tiếp tục tăng cường giám sát, quản trị nội bộ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đảm bảo tiền lương, thu nhập cho người lao động theo quy định. 

Thúy Hà