Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh.
Từ năm 2011 đến nay, nhiều Luật, chiến lược, chính sách và Luật về biến đổi khí hậu đã được ban hành, các chương trình hành động quốc gia đã được các cấp, các ngành và địa phương từng bước xây dựng và triển khai thực hiện.
Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động, như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải…
Ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng "0" tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Kế hoạch hành động xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu: Đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, bối cảnh mới đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương, đặc biệt là cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Ngành Công Thương đã có những giải pháp và kế hoạch triển khai như thế nào trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu? Cần có những giải pháp nào để nâng cao nhận thức, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu?
Vấn đề này sẽ được chia sẻ dưới góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn tại Tọa đàm của Tạp chí Công Thương với chủ đề “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời:
- Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh Bộ Công Thương
- Ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Tại Tọa đàm, các vị khách mời sẽ cùng thảo luận, chia sẻ về những kế hoạch, hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công Thương nói chung cũng như của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương nói riêng.
Đồng thời, chỉ rõ những tác động tích cực và tiêu cực của xu hướng giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh đến doanh nghiệp của ngành Công Thương để từ đó có những hành động cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những đề xuất, giải pháp của các vị khách mời tại Tọa đàm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành Công Thương xây dựng kế hoạch, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch. Từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, từ đó tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
Streaming:
Facebook Fanpage Tự hào hàng Việt
https://www.facebook.com/TuhaohangVietNam.vn;
Website Tạp chí Công Thương
và Kênh Youtube Tạp chí Công Thương