Theo ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương yêu cầu quý II/2024 sẽ hoàn thành cơ bản dự thảo quy hoạch Định hướng phát triển ngành Thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Buổi tọa đàm được tổ chức để lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các nhà quản lý, doanh nghiệp… để đóng góp cho bản quy hoạch này.
4 hạn chế lớn nhất
Ngành Thép Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về năng lực cũng như công nghệ, một số nhà máy thép có công suất lớn, chất lượng thép cao được đầu tư đi vào hoạt động như Khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, Khu liên hợp Gang Thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh… Tuy nhiên, ngành Thép vẫn còn nhiều tồn tại, đầu tiên phải kể đến là tồn tại về công nghệ.
Ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… thì hầu hết đều có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp theo là vấn đề về năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm. Đến năm 2023, năng lực sản xuất phôi của toàn ngành Thép Việt Nam là khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm, thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho thị trường xuất khẩu.
Về cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản xuất từ nguyên liệu là thép phế (chủ yếu là nhập khẩu) và 58% được sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt. Thép còn dùng để phục vụ ngành cơ khí, chế tạo. Thép cuộn cán nóng HRC chỉ sản xuất được 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 10 triệu tấn.
Vấn đề thứ ba là năng lực cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của ngành Thép Việt Nam khá thấp do nhà máy công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ về môi trường, chất lượng thép không chiếm ưu thế so với sản phẩm thép nhập khẩu, nhất là thép chế tạo. Và các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cạnh tranh lẫn nhau, chứ xuất khẩu còn rất hạn chế.
Vấn đề thứ 4 của ngành Thép Việt Nam là nguyên liệu đầu vào. Tình trạng bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Ngành Thép Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào?
Ông Đỗ Nam Bình - Đại diện Cục Công nghiệp: Việt Nam cần phát triển thêm các khu liên hợp gang thép có quy mô lớn với cơ cấu sản phẩm đa dạng đặc biệt là các sản phẩm thép phục vụ công nghiệp chế biến chế tạo.
Tập trung khuyến khích sản xuất thép hợp kim và đặc biệt phục vụ ngành cơ khí, chế tạo máy. Xây dựng chiến lược phát triển ngành Thép theo hướng thu hút đầu tư các liên hợp thép lớn nhằm sản xuất các chủng loại sản phẩm thép đa dạng, đặc biệt tập trung thép ứng dụng trong ngành chế biến, chế tạo, cơ khí, ô tô… tại khu vực có cảng nước sâu thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào và thành phẩm tạo lợi thế cạnh tranh. Tận dụng nguồn tài nguyên quặng sắt trong nước và khoáng sản kim loại màu như crom, niken, titan, wonfram, mangan… nhằm chế tạo các loại hợp kim sắt làm nguyên liệu để sản xuất thép hợp kim đặc biệt.
Có các biện pháp hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại nhằm bảo vệ ngành sản xất thép trong nước. Chỉ khuyến khích nhập khẩu một số chủng loại thép mà trong nước chưa sản xuất được. Thu hút đầu tư công nghệ và thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường theo xu hướng sử dụng năng lượng xanh, sạch, tuần hoàn. Từng bước khắc phục, thay thế và loại bỏ các dự án sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và không đảm bảo về môi trường”.
Ông Phạm Công Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP: Chính phủ cần đặt vai trò của doanh nghiệp nhà nước vào đúng vị trí, vai trò của quá trình phát triển ngành Thép.
Hiệp hội mong muốn xây dựng một ngành Thép Việt Nam thực sự vững mạnh, dần dần thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu, trước mắt là đối với các sản phẩm thông thường thì trong một thời gian tới là hoàn toàn có thể được. Tiếp theo là sản xuất thép trong nước sẽ sản xuất được các sản phẩm chất lượng cao để phục vụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí. Theo con số hải quan thì hàng năm chúng ta phải nhập trên trên một triệu tấn. Thứ ba là phát triển xanh. Chính phủ Việt Nam có một sự cam kết rất mạnh mẽ trong vấn đề này khi mà đặt mục tiêu là 2050.
Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty Thép Việt Nam hiện chỉ còn chiếm khoảng 15 - 18% tổng tổng sản lượng tiêu thụ thép cả nước, vai trò đã suy giảm so với trước đây do nhiều lý do, trong đó có cả chính sách của Chính phủ trong việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nhất là thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nước ngoài. Tổng công ty Thép Việt Nam là doanh nghiệp đứng thứ ba trong ngành Thép.
Đối với nhiều nước, đặc biệt các nước trong khu vực, thì họ rất quan trọng vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong Tập đoàn POSCO của Hàn Quốc cũng có một bộ phận lớn của nhà nước trong đó. Tổng công ty Thép Việt Nam mong rằng trong kế hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam thì Chính phủ đặt vai trò của doanh nghiệp nhà nước mà cụ thể là của Tổng công ty Thép Việt Nam vào đúng vị trí, vai trò của quá trình phát triển ngành Thép.
PGS. TS Đinh Văn Thành- chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương: Phải tận dụng vai trò của Khu liên hợp Gang Thép Thái Nguyên.
Định hướng phát triển ngành Thép Việt Nam của ta trúng nhưng chưa đủ.
Để bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới thì công nghiệp quốc phòng sẽ phát triển theo hướng lưỡng dụng, vừa phục vụ cho quốc phòng, phục vụ cho kinh tế. Trong Dự thảo chiến lược phát triển ngành Thép này thì tôi chưa thấy chú trọng vào điều đó.
Chúng ta hiện tại chú trọng quá mức đến yếu tố cảng biển mỗi khi xây dựng, phát triển bất kỳ ngành nghề kinh tế nào. Trong lịch sử phát triển ngành Thép, Khu Công nghiệp Gang Thép vẫn là một cụm hoàn chỉnh, có tất cả các khâu từ nghiên cứu cho đến sản xuất từ đầu nguồn. Lợi thế về mặt giao thông có thể là thua, nhưng nó lại rất gần nơi có nguyên liệu, trong đó Gang Thép Thái Nguyên vẫn tận dụng được hệ thống đường sắt, nhất là trong mục đích phục vụ quốc phòng an ninh. Ta phải tính toán đến mục tiêu này.
Cuối cùng, phải xây dựng bằng được một doanh nghiệp Thép Việt Nam đủ mạnh, đáp ứng tính cạnh tranh bằng nguồn vốn nội lực để tránh tình trạng bị rút vốn, rút công nghệ và rơi vào tình thế bị động cũng như nhiều vấn đề khác.
Bà Trần Thu Hiền - Giám đốc pháp lý Tập đoàn Hòa Phát: Chính sách phát ưu đãi phát triển thép sản xuất từ thượng nguồn đều chưa rõ ràng.
Hòa Phát hiện nay không thua kém doanh nghiệp nước ngoài chút nào về công nghệ, vị trí lại gần biển, có thua chỉ thua về sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước trong phát triển thép từ thượng nguồn. Nhà nước cần ưu tiên các khu liên hợp thép bám biển vì liên quan đến cảng nước sâu, hàng hóa, vận chuyển, đó là ưu tiên số một.
Hòa Phát cũng đồng tình với quan điểm nâng cao công nghệ sản xuất thép để tạo tính đồng bộ trong ngành thép vì không thể sản xuất theo phân khúc được, oại bỏ những công nghệ lạc hậu. Tôi đề nghị xây dựng những quy định pháp luật về quản lý chất lượng thép, bao gồm cả chất lượng thép trong nước cũng như thép nhập khẩu để tạo sân chơi chung, bình đẳng.