PV: Xin PGS.TS cho biết một số trận đánh quan trọng trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 cũng như ý nghĩa lịch sử của các trận đánh này?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật:
Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trên cả nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, trong đó Buôn Ma Thuột được chọn làm “điểm huyệt”. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự đối với cả phía ta và phía địch. Sau 20 ngày chiến đấu (từ ngày 4 đến ngày 24 tháng 3 năm 1975), ta đã giải phóng toàn bộ vùng đất Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân, bao gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Bổn, Đắc Lắc và một phần tỉnh Quảng Đức (cũ). Đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, việc mất Tây Nguyên và nhất là việc tháo chạy khỏi Tây Nguyên mở đầu cho những thất bại lại liên tiếp sau đó, nhất là sự suy sụp về tinh thần chiến đấu của quân đội Sài Gòn. Đối với ta, như Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 25-3-1975, thì với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên “cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta bắt đầu... Cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt”.
Trên cơ sở phân tích diễn biến trên chiến trường sau chiến dịch Tây Nguyên, thấy rõ sự suy yếu của quân đội Sài Gòn, khả năng Mỹ không còn can thiệp trở lại, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành việc giải phóng miền Nam trong năm 1975 với phương châm tác chiến chiến lược là “táo bạo bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được triển khai từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 3 năm 1975. Đợt 1 của chiến dịch (từ 21 đến 26 - 3), ta tiến công chia cắt Huế - Đà Nẵng, giải phóng thị xã Quảng Trị, thành phố Huế, thị xã Tam Kỳ và thị xã Quảng Ngãi. Việc giải phóng thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến thắng này làm nức lòng nhân dân cả nước, làm cho địch suy yếu thêm một bước mới hết sức quan trọng.
Sau khi giải phóng Thừa Thiên - Huế, ta thành lập “Mặt trận Quảng Đà” nhằm giải phóng Thành phố Đà Nẵng - thành phố lớn thứ 2 miền Nam, căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất của quân đội Sài Gòn. Trước đòn tấn công quân sự kết hợp với việc nổi dậy của quần chúng nhân dân, toàn bộ Bộ Chỉ huy vùng chiến thuật I và Quân đoàn I ngụy tháo chạy, tan rã, bỏ lại lời kêu gọi “tử thủ Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Thiệu.
Chiến dịch Huế - Đã Nẵng thắng lợi đã giải phóng 5 tỉnh, 2 thành phố miền Trung với 2,5 triệu dân, tạo ra bước phát triển mới, nhảy vọt và thực tế có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn được bắt đầu từ đây.
Sau khi giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiếp theo là các tỉnh miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp bàn về trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 6-4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sài Gòn - Gia Định và ngày 14-4-1975, quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.
Như chúng ta đã biết, bằng tinh thần “thần tốc, táo bạo bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh được bắt đầu. Với lực lượng được huy động lớn nhất từ trước tới nay, bao gồm cả lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân, sau 4 ngày đêm tấn công trong khí thế vỡ bờ, ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh và các chiến dịch trước đó là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng khắp miền Nam trên cả ba vùng chiến lược: Thành thị, nông thôn và miền núi.
PV: Cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, PGS.TS có thể cho biết một số ý kiến nhận định về hai chiến dịch này?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật:
Trong thời đại chúng ta - thời đại Hồ Chí Minh, có nhiều trận đánh, những chiến thắng mang ý nghĩa quyết định. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được coi là “mốc vàng lịch sử”. Với dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ đã đưa đến việc ký kết Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, chấm dứt chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Một nửa đất nước được giải phóng, miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; và quan trọng hơn cả, miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn, quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng Mỹ, giải phóng miền Nam sau này. Có thể khẳng định rằng, không thể có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc đã dốc vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Không những vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam; để lại nhiều kinh nghiệm về việc xây dựng, hoàn chỉnh đường lối quân sự... để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.
Về ý nghĩa quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ là “tiếng chuông” thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, “tiếng sấm” báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Và như chúng ta đã biết, sau “Điện Biên Phủ”, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước á - Phi - Mỹ la-tinh bùng lên mạnh mẽ. Với sự bùng nổ đó, năm 1960, hàng loạt các nước châu Phi đã giành được độc lập dân tộc.
Còn thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đó là một trong những trang sử hào hùng và chói lọi chiến công của dân tộc ta trong sự nghiệp hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhân dân ta đã đánh thắng một kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ, đã kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm, giành độc lập cho Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 115 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.
Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì những mục tiêu cách mạng của thời đại là độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Về ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh và của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã ghi nhận: “Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
PV: Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam sum họp, niềm vui đã đến với khắp mọi nhà, mọi người Việt Nam, song đâu đó vẫn còn có những con người, những chiến công bị “quên lãng” như “câu chuyện chiếc xe tăng 390” là một ví dụ. Vậy theo PGS.TS, trong chiến dịch Hồ Chí Minh hiện có còn những “nghi án” mà lịch sử chưa chứng minh?
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật:
Như chúng ta đã biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Mọi tầng lớp nhân dân từ già, trẻ, gái trai đều đứng lên cầm súng và ngay cả các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phần lớn cũng đều là những “người nông dân mặc áo lính”. Tất cả đều chung một mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm và khi hoà bình lập lại, họ đều mong muốn nhanh chóng được trở về quê hương với công việc đồng áng quen thuộc của mình.
Trong cuộc chiến tranh ác liệt này, người lính cách mạng chỉ biết xông lên phía trước, không ai ngoảnh lại để xem phía sau mình còn ai nữa. Tôi không cho rằng, câu chuyện “chiếc xe tăng 390” là một nghi án. Trong cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 21 năm trên chiến trường Đông Dương rộng lớn, còn hàng ngàn chiến sĩ hy sinh mà đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ của họ, và cũng còn nhiều sự hy sinh thầm lặng khác mà chúng ta chưa biết hết được. Lịch sử sẽ ngày càng được làm sáng tỏ, nhưng điều quan trọng và vĩ đại hơn hết là ở chỗ: Không ai tính toán thiệt hơn, một khi họ đã dám xả thân hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS!