Tổng công ty Giấy Việt Nam: Giữ mãi thương hiệu Giấy Bãi Bằng

Ngày 26/11 của 24 năm trước, người dân thị trấn Phong Châu, tỉnh Phú Thọ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến buổi lễ cắt băng khánh thành Nhà máy Giấy Bãi Bằng, một nhà máy đồ sộ, hiện đại mọc lên trê

Khép lại Bãi Bằng...

Kể từ đó đến nay, Bãi Bằng luôn là cánh chim đầu đàn của ngành Giấy Việt Nam. Còn nhớ những ngày đầu, khi Nhà máy đi vào sản xuất cũng là thời kỳ nền kinh tế đất nước gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ quản lý, kỹ thuật và vận hành của người Việt Nam tại thời điểm này chưa bắt kịp với với yêu cầu quản lý và vận hành một tổ hợp sản xuất bột và giấy phức tạp, hiện đại. Vì vậy, mặc dù có một số thuận lợi lớn là được sự giúp đỡ toàn diện của những người bạn Thụy Điển về quản lý kỹ thuật, vận hành, tài chính, trong điều kiện máy móc, thiết bị vẫn còn mới nhưng sản lượng trong những năm 1990 trở về trước cao nhất cũng chỉ đạt 55% công suất thiết kế. Nhưng rồi khó khăn cũng đã được đẩy lùi, Bãi Bằng đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành có kinh nghiệm, có tay nghề giỏi, đoàn kết nhất trí, tâm huyết với công việc và một lòng gắn bó với Công ty. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục phát triển. Không ai có thể quên cảm giác vui mừng đến khó nói thành lời khi lắng nghe tiếng còi ngân dài trong những ngày cuối năm 1996 báo hiệu hoàn thành sản lượng 57.000 tấn giấy, ghi nhận lần đầu tiên Bãi Bằng đạt và vượt năng suất thiết kế. Và tiếng còi đó đã liên tục ngân vang. Năm 2001 sản xuất đạt 72.850 tấn, doanh thu đạt 763,6 tỷ đồng. Năm 2002, sản xuất đạt 75.865 tấn giấy, doanh thu 816,6 tỷ đồng. Năm 2003, Bãi Bằng đóng máy 6 tháng để tiến hành đầu tư mở rộng giai đoạn I với tổng số vốn đầu tư là 1.107 tỷ đồng, nhằm nâng công suất sản xuất lên 61.000 tấn bột/năm và và 100.000 tấn giấy/năm, đánh dấu một mốc son trong quá trình phát triển đi lên của mình. Chương trình đầu tư mở rộng đã hoàn thành và thu được kết quả tốt đẹp. Năm 2004 là năm đầu tiên bước vào vận hành sau đầu tư, Bãi Bằng sản xuất đạt 85.326 tấn giấy, doanh thu 847 tỷ đồng và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh có lãi. Đây thực sự là một thành tích đáng trân trọng, chứng tỏ sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của tập thể CBCN Công ty. Năm 2005, sản lượng giấy đã đạt trên 92.000 tấn giấy, bằng 92% công suất thiết kế và bằng 108% kế hoạch cả năm. Lượng giấy tiêu thụ hơn 98.000 tấn, bằng 103% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu gần 6.000 tấn sang thị trường Malaixia, Indonesia, Iran, Philippin. Đây là năm thứ hai liên tiếp sau đầu tư,  Công ty Giấy Bãi Bằng đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh. Từng bước đi của Công ty đã hứa hẹn trong tương lai không xa, Bãi Bằng sẽ trở thành trung tâm sản xuất bột giấy và giấy lớn mạnh nhất trong cả nước.

Trước những thách thức mới khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định sắp xếp lại mô hình tổ chức và hoạt động của toàn TCT Giấy Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Công ty Giấy Bãi Bằng được sáp nhập với TCT để trở thành TCT Giấy Việt Nam. Nhiều người đón nhận thông tin không còn doanh nghiệp mang tên “Công ty Giấy Bãi Bằng” với những cảm giác khó diễn tả. Nhưng người Bãi Bằng thì ai cũng cảm thấy luyến tiếc, bâng khuâng tựa như vừa đánh mất cái gì. Vẫn biết, sáp nhập văn phòng TCT Giấy Việt Nam (trước đây) và Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành TCT Giấy Việt Nam là tên tuổi của Bãi Bằng không những không mất đi mà còn được nâng lên tầm cao mới và sản phẩm của TCT Giấy Việt Nam vẫn mang thương hiệu “giấy Bãi Bằng”, nhưng, nói lời chia tay với quá khứ, chia tay với một mối tình 24 năm gắn bó thật không dễ…

Giai đoạn mới mở ra…

Quyết định chuyển TCT Giấy Việt Nam sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con có từ ngày 01/2/2005, nhưng đến ngày 20/3/2006, Điều lệ tổ chức và hoạt động chính thức được ban hành trên cơ sở tổ chức lại văn phòng TCT Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Bãi Bằng. Mặc dù chuyển đổi, nhưng địa điểm kinh doanh chính của TCT vẫn ở hai nơi: 25A Lý Thường Kiệt, Hà Nội và Thị trấn Phong Châu, Phú Thọ. Hiện nay, TCT đã ổn định tổ chức với 26 đơn vị đầu mối bao gồm: các công ty, các lâm trường, các xí nghiệp, viện nghiên cứu cây nguyên liệu, trường đào tạo và các đơn vị phụ thuộc khác. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặt hái những thành công mới: 9 tháng đầu năm 2006, doanh thu của TCT đạt 1.280.129 triệu đồng. Công ty Giấy Bãi Bằng hoàn thành sứ mệnh và lùi vào quá khứ, những tên tuổi khác lại được khai sinh: Công ty Giấy Tissue Sông Đuống, Công ty Vận tải và Chế biến lâm sản, Công ty Chế biến và Xuất khẩu Dăm mảnh Quảng Ninh…

Bước sang giai đoạn mới, trước mắt, sẵn có nền tảng của Bãi Bằng, TCT Giấy Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả của chương trình đầu tư mở rộng giai đoạn 1. Phương châm cơ bản của TCT là đẩy mạnh và phát triển sản xuất, nắm vững thị trường, ổn định tư tưởng, tăng cường đoàn kết, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBCNV. Hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con sẽ tạo ra những động lực phát triển mới. Sau khi kiện toàn và CPH các đơn vị trực thuộc, TCT Giấy Việt Nam sẽ có đủ lực để làm việc lớn. Đó là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Thanh Hoá với công suất 60.000 tấn bột giấy và 60.000 tấn giấy/năm với tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng, trong đó dành 600 tỷ đồng để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu giấy. Dự án thứ 2 là tiếp tục đầu tư phát triển giai đoạn 2 tại Bãi Bằng một nhà máy sản xuất bột giấy với công suất 250.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư lên tới 7.500 tỷ đồng, trong đó dành 2.500 tỷ đồng để đầu tư quy hoạch và phát triển 160.000 ha cây nguyên liệu giấy. Riêng tỉnh Phú Thọ sẽ đầu tư phát triển trên 60.000 ha, còn lại là các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Phúc. Dự kiến, năm 2009 sẽ triển khai xong và khi đi vào hoạt động thì giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty mẹ sẽ nâng lên nhiều lần hiện nay, ước khoảng 3.600 tỷ đồng mỗi năm. Rõ ràng, trong một tương lai gần, TCT sẽ giải quyết được nhiều vấn đề không những cho tỉnh Phú Thọ mà còn cho cả những tỉnh trong khu vực. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới, với hành trang như vậy, TCT Giấy Việt Nam sẽ có đủ tự tin và bản lĩnh vững vàng để đương đầu trong cuộc cạnh tranh gay gắt.                    

“Chàng thanh niên” Bãi Bằng tạm biệt tuổi 23 để bước vào tuổi 24 thành đạt của một người đàn ông. Chẳng biết những người bạn Thuỵ Điển có mặt trong buổi lễ khánh thành hôm đó còn nhớ những ngày tháng đi “khai hoang” cho mảnh đất trung du hoang sơ này không, nhưng có một điều chắc chắn mà họ không thể ngờ, đó là họ đã mang đến cả một nền văn hoá Bắc Âu có ảnh hưởng sâu sắc đến con người và mảnh đất nơi đây. Hiện đại, văn minh, dám làm, dám chịu, người ta gọi đó là “chất” Bãi Bằng. Kể cả giờ đây, khi cái tên “Công ty Giấy Bãi Bằng” quen thuộc đã không còn, thay vào đó là TCT Giấy Việt Nam, thì truyền thống đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Bãi Bằng không những vẫn nguyên vẹn như ngày nào mà sẽ còn được nhân lên gấp bội.

  • Tags: