Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 11/11/2024, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tập trung trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường...
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia giải trình làm rõ các vấn đề liên quan được nêu.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương rất chia sẻ mối quan tâm và lo ngại của các vị đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bộ trưởng cho biết, kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh có điều kiện và được quy định rất rõ trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trong Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì lại chưa được định nghĩa trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật có liên quan. Do vậy, có thể nói trong một thời gian dài vừa qua tồn tại khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này.
Từ cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa trước, tức là năm 2019 - 2020 vì do thiếu công cụ quản lý thuốc lá thế hệ mới trong khi nó đã và đang len lỏi và phát triển khá mạnh ở thị trường của Việt Nam cho nên Bộ Công Thương bấy giờ đã đề xuất Chính phủ và được Chính phủ khóa trước cho phép xây dựng Đề án thí điểm để quản lý loại hình thuốc lá này.
Tuy nhiên, trong khi lấy ý kiến của các bộ, ngành thì nhiều bộ, ngành đồng thuận với đề xuất của Bộ Công Thương và chỉ đạo của Chính phủ nhưng cũng có những bộ, ngành phản đối, đặc biệt là Bộ Y tế cho rằng nó là một sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Vì thế từ đầu nhiệm kỳ này đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế và thống nhất nó có hại về sức khỏe thì phải cấm.
“Chúng tôi kiên trì đề xuất sớm ban hành khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này, chứ chưa bao giờ Bộ Công Thương, trong đó có cá nhân tôi đề xuất tiếp tục thí điểm đề án trên cả. Bởi vì chúng tôi không đề nghị như thế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Thực tế trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh và cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra và xử lý và đã xử lý hàng trăm vụ việc và thu về ngân sách nhà nước khoản phạt đối với loại hình kinh doanh sản phẩm này.
Để khắc phục tình trạng nêu trên trong thời gian tới Bộ Công Thương thống nhất đề xuất:
Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành chính sách quản lý chặt chẽ, rõ ràng đối với loại sản phẩm này để khắc phục khoảng trống pháp lý; có thể sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hay ban hành một luật mới để trên cơ sở đó thì các cấp, các ngành cùng vào cuộc để xử lý vấn đề triệt để theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội.
Thứ hai, trong khi chưa có luật hoặc chưa sửa đổi được Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, nhất là Ban Chỉ đạo 389, Hải quan, Biên phòng và Công an, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 47 ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng các vi phạm đối với thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới hiện nay chủ yếu do nhập lậu. Do vậy, các lực lượng chức năng cũng cần phải ngăn chặn tốt ngay từ cửa khẩu, ngay từ biên giới thì mới hạn chế được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt đối với đối tượng là trẻ em, học sinh; xem xét đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường tác hại của thuốc lá và nhất là thuốc lá thế hệ mới, các quy định cấm và chế tài xử lý vi phạm của pháp luật.
Đồng thời phải huy động sự tham gia và vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội như: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư trong tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử thế hệ mới nói riêng.
Cuối cùng, đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo địa bàn.
Tăng cường quản lý kinh doanh sản phẩm dược, mỹ phẩm trên thương mại điện tử
Về vấn đề thứ hai mà các đại biểu quan tâm là quản lý ngành dược, mỹ phẩm và thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đồng tình với nhận định của các đại biểu.
Bộ trưởng cho biết, theo khoản 2 Điều 10 Luật Dược 2016, sửa đổi, bổ sung 2018 và Luật Hóa chất thì Bộ Công Thương chỉ được giao trách nhiệm liên quan đến công nghiệp hóa chất ở khâu sản xuất nguyên liệu làm thuốc và phối hợp với các Bộ, ngành trong quản lý thương mại điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ được giao thì thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý sản phẩm dược, mỹ phẩm kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập mẫu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và các loại thuốc y học cổ truyền.
Thứ hai, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, gom và tăng giá các hàng hóa bất hợp lý.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá.
Thứ bốn, tập trung thực hiện kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án của Chính phủ kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các loại hàng hóa trên thương mại điện tử.
Đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh quảng cáo sai quy định các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm và các loại hàng hóa, dịch vụ khác trên môi trường thương mại điện tử, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ đã triển khai một số giải pháp như: yêu cầu các chủ sản thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm khi các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn; Chủ động phát hiện hoặc nhận được thông tin của Bộ Y tế về các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã yêu cầu sàn thương mại điện tử gỡ bỏ các thông tin sai phạm ở trên mạng của mình. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xử phạt hàng hóa vi phạm về nguồn gốc, chất lượng, trong đó có sản phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm.
Đề nghị nghiên cứu, ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn đối với người tiêu dùng, phân biệt hàng thật, hàng giả cho các cơ sở kinh doanh trên các địa bàn nổi cộm; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân, hạn chế những sai phạm.
Thứ hai, chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, xác minh hóa đơn, chứng từ; rà soát, kiểm tra, xử lý các tụ điểm, kho bãi, tập kết hàng hóa nhập lậu; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh dược liệu cho các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ở các địa bàn trọng điểm ở trên máy bị cả nước.
Thứ ba, tổ chức kiểm tra khâu vận chuyển, lưu thông, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra bưu cục, điểm dịch vụ chuyển phát nhanh, kịp thời phát hiện các vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả và không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, giám sát, kiểm tra vi phạm các hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, sử dụng các mạng xã hội để kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu.
Thứ năm, tăng cường triển khai quy chế phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các cơ quan chức năng tại các địa phương để làm tốt việc quản lý kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động buôn lậu, kinh doanh dược liệu và sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung trong việc đấu tranh với những vi phạm trên lĩnh vực này.
Để làm tốt hơn công tác quản lý trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cho phép nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật Thương mại điện tử để có công cụ quản lý đủ mạnh và đồng bộ. Vì thời gian vừa qua chúng ta chủ yếu quản lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về thương mại điện tử chưa đủ cơ sở pháp lý và chưa đồng bộ, đủ mạnh để thực hiện việc quản lý trên môi trường thương mại điện tử.
Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Dược tại kỳ họp này và thông qua Luật Hóa chất trong đầu kỳ họp tới hoặc kỳ họp gần nhất để có cơ sở quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh dược, mỹ phẩm cũng như thương mại điện tử.