Báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính tới cuối tháng 4, có 395 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mới tham gia thị trường. Số này giảm khoảng 6,6% so với cùng kỳ 2023.
Tính đến cuối tháng 4, kinh doanh bất động sản chiếm gần 2% số doanh nghiệp lập mới. Nhưng tổng vốn đăng ký lĩnh vực này đạt khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng gần 146% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp rót vốn vào bất động sản tăng khi thị trường rục rịch khởi sắc. Bốn tháng qua, doanh thu lĩnh vực này ước đạt 80.845 tỷ đồng, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ 2023.
"Thị trường bất động sản có chiều hướng tích cực khi các chính sách tháo gỡ phát huy hiệu quả, lãi suất ngân hàng giảm", Cục Thống kê nhận định.
Trước đó, trong báo cáo thị trường quý 1/2024, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam (hãng tư vấn bất động sản), cho rằng những dấu hiệu kinh tế phục hồi cùng việc Luật Đất đai sửa đổi có thể hiệu lực sớm vào giữa năm nay, góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư.
Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh sắp tới cũng phục hồi dần. Giữa tháng 3, một dự án chung cư phân khúc hạng sang tại khu vực đại lộ Mai Chí Thọ (Thành phố Thủ Đức) mở bán, giá từ 125 triệu đồng/m2.
Xem thêm: TP. Hồ Chí Minh: Giao dịch bất động sản 4 tháng đầu năm tăng 13%
Theo CBRE, đây cũng là một trong các dấu hiệu cho thấy thị trường quý 2/2024 dự kiến sôi động hơn.
Kinh doanh bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư ngoại nhờ kinh tế phục hồi, lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được kiểm soát ổn định, theo ông Nguyễn Trọng Toàn, quản lý bộ phận đầu tư Savills Hà Nội.
Ông Toàn chia sẻ, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư và có xu hướng phát triển các dự án nhà ở mang thương hiệu riêng, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và nhu cầu cao. Họ có lợi thế về thương hiệu, thiết kế, tiêu chuẩn và chất lượng xây dựng, nên các sản phẩm cao cấp vẫn luôn bán chạy.