Thành Hồ Chí Minh là đô thị năng động của hơn 10 triệu dân đang phát triển mạnh mẽ, là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, cùng hàng trăm nghìn hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động kinh tế sôi động đã kéo theo tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, tạo ra thách thức cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn TP.
Trong bối cảnh cả nước mở cửa tất cả các hoạt động để phục hồi kinh tế sau đại dịch thì các hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi. Đặc biệt, khi hoạt động thương mại điện tử, mua bán online qua mạng xã hội và qua phương thức chuyển phát nhanh, bưu kiện… phát triển thì hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại ngày càng phức tạp.
Để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ngay từ đầu năm 2022 Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường, tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trên địa bàn, tập trung kiểm tra các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử và các hành vi vi phạm thuộc chức năng, kiểm tra, xử lý của QLTT.
Kế quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT Thành phố đã kiểm tra 967 vụ, đã xử lý 557 vụ, trong đó có 36 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/Quyết định thu hồi theo thẩm quyền của UBND/TP, Quận, Huyện, 521 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính/ Quyết định thu hồi theo thẩm quyền của Quản lý thị trường.
Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách Nhà nước là 584 vụ với số tiền 14.772.622.000 đồng. Trong đó có 12.261.381.000 đồng tiền phạt hành chính, 2.241.311.000 đồng tiền bán hàng tịch thu, 28.000.000 đồng tiền phạt truy thu thuế. Đã tiêu hủy hàng giả hàng cấm hàng không đủ điều kiệm lưu thông trị giá 15. 866.202.000 đồng.
Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 89 tỷ đồng. Các nhóm mặt hàng vi phạm nổi cộm là: thuốc lá, trang thiết bị y tế, thuốc tân dược, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, quần áo, linh kiện điện thoại di động, hàng điện lạnh, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu...
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT Thành phố đã chuyển cơ quan tiến hành khởi tố vụ án hình sự là 12 vụ với tổng số trị giá hàng hóa vị phạm ước tính là 35 tỷ đồng.
Đặc biệt, để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT vềviệc góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, ngay từ đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 262/QLTT-NVTH ngày 28/01/2022 yêu cầu các Đội Quản lý thị trường rà soát, nắm chắc danh sách, địa điểm các cửa hàng, thương nhân, điểm lưu kho, bồn chứa, địa điểm tồn trữ xăng trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi pha trộn xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng.
Song song đó, đơn vị cũng phối hợp với các Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác kiểm tra 38.4483 vụ, có hơn 200 vụ vi phạm. Đồng thời, duy trì thông tin đường dây nóng của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố, của Cục Quản lý thị trường Thành phố và của các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng.
Thời gian tới, lực lượng QLTT TP tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước tại địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh, từng bước khôi phục và duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ lợi ích của nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của toàn xã hội.