Theo thông báo từ Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường bao gồm: Các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19: khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế), nước súc họng, nước rửa tay sát khuẩn, găng tay, kính chống giọt bắn...; Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (09 nhóm hàng): lương thực (gạo, mì gói, bún khô, phở khô...), đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống); Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán: bánh mứt kẹo, nước giải khát, hoa tươi…; Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng (04 nhóm hàng): tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh, giày dép học sinh; Các mặt hàng sữa: sữa nước, sữa bột, sản phẩm sữa chế biến.
Bên cạnh đó là các mặt hàng dược phẩm thiết yếu: thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho-hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin-khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc trị nấm, thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu…
Cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa
Đối tượng tham gia là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật các Tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp), đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.
Doanh nghiệp có thể tham gia một hoặc nhiều hình thức, bao gồm tham gia cung ứng hàng hóa: doanh nghiệp có ngành nghề, chức năng sản xuất, kinh doanh các nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường; Tham gia phân phối hàng hóa: doanh nghiệp có ngành nghề, chức năng phân phối các nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường; Tham gia hỗ trợ tín dụng thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường: tổ chức tín dụng.
Điều kiện chung của các đơn vị đăng ký tham gia phải có chức năng hoạt động phù hợp với hình thức tham gia Chương trình; có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực hoạt động của đơn vị.
Điều kiện đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa: Có năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình; Có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị - công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Có hệ thống phân phối, đại lý hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Có phương tiện vận chuyển phục vụ phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
Điều kiên đối với doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa: Có tổ chức, vận hành hệ thống mạng lưới điểm bán hàng hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (tối thiểu 02 siêu thị hoặc 12 cửa hàng trở lên); Có hợp đồng phân phối sản phẩm bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng liên tục, ổn định các sản phẩm bình ổn thị trường tại mạng lưới điểm bán hàng của đơn vị; Có phương tiện vận chuyển phục vụ phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
Các tổ chức tín dụng tự nguyện đăng ký cung cấp tín dụng với chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp bình ổn thị trường vay để thực hiện Chương trình.
Ưu tiên kết nối cung – cầu cho doanh nghiệp
Tham gia Chương trình bình ổn thị trường, các đơn vị được ưu tiên tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội nghị, hội chợ, triển lãm... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được ưu tiên kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, được tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để vay vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường thành phố xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình. Được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa các mặt hàng bình ổn thị trường. Được hỗ trợ xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ; hỗ trợ liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp… để ứng vốn, hợp tác sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ kết nối, ưu tiên giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố. Được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của Chương trình và được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể...
Các tổ chức tín dụng được hỗ trợ tham gia tài trợ vốn cho các chương trình kích cầu đầu tư, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Được kết nối, tiếp cận, tài trợ vốn và cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp uy tín, quy mô lớn.
Ngược lại, các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa tham gia Chương trình cũng có trách nhiệm tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, thu mua dự trữ, cung ứng, phân phối hàng hóa đúng chủng loại, đủ số lượng theo kế hoạch của Chương trình, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm. Xây dựng cơ cấu giá thành, đăng ký giá bán sản phẩm bình ổn thị trường với Sở Tài chính; thực hiện niêm yết và bán đúng giá Sở Tài chính đã thống nhất và công bố. Đăng ký, thông tin công khai danh sách điểm bán hàng bình ổn thị trường; tổ chức điểm bán, hướng dẫn hệ thống đại lý tổ chức điểm bán, ưu tiên trưng bày sản phẩm bình ổn thị trường tập trung, tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết.
Đồng thời các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký kế hoạch phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện Chương trình. Tích cực đầu tư, liên kết, phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, chú trọng tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể. Tích cực tổ chức bán hàng lưu động theo kế hoạch của Sở Công Thương...