Kỳ vọng sức mua tăng
Theo ghi nhận, tại các hệ thống bán lẻ hiện hàng hóa Tết đã đầy ắp các sản phẩm phục vụ thị trường với giá cả ổn định, nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm.
Bà Tạ Minh Hợp, Giám đốc cung ứng Hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết, cuối tuần qua, hệ thống WinMart, WinMart+ trên toàn quốc đón lượng khách hàng mua sắm nhộn nhịp hơn. Dù lượng khách tăng khá nhưng nhịp mua sắm chung vẫn còn chậm so với thông lệ các năm trước.
Dự báo năm nay người tiêu dùng sẽ dồn lực mua sắm vào 1-2 tuần sát Tết. Do đó, WinMart, WinMart+ đã chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, đảm bảo lượng hàng đưa ra luôn đầy kệ, giá cả ổn định để người tiêu dùng thoải mái mua sắm.
Để kích cầu mua sắm Tết 2022, WinMart, WinMart+ tập trung triển khai các chương trình khuyến mãi với nhóm hàng thiết yếu, tổ chức các hội chợ, lễ hội nông sản. Chương trình giỏ quà tết “Tết bình an – Ngập tràn sức khỏe” được xây dựng với giá trị giỏ quà chỉ từ 299.000 đồng/giỏ, rất phù hợp với nhu cầu khách hàng. Đồng thời WinMart, WinMart+ cũng thương thảo với tất cả các nhà cung cấp nhằm cung cấp hàng hóa với giá ổn định trong những thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao. WinMart, WinMart+ cũng sẽ tập trung vào nhân lực hiện tại và tuyển dụng thêm đội ngũ cộng tác viên. Đội ngũ này sẽ được đào tạo để làm việc tại cửa hàng và bộ phận phân phối kho vận để luôn đảm bảo nhân sự đầy đủ và chuyên nghiệp phục vụ người tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết.
Theo đại diện siêu thị MM Mega Market, sức mua tại hệ thống đã tăng 50% so với năm ngoái và tăng 140% so với tuần trước, chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức đặt mua các phần quà an sinh, dùng để biếu tặng Tết cho nhân viên, đối tác. Riêng đối với khách lẻ, sức mua tăng mạnh vì xu hướng người tiêu dùng về quê sớm và tâm lý sắm Tết sớm để tránh đông đúc vào thời gian cao điểm.
Nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã dành 6.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa cho thời điểm trước, trong và sau Tết. Hàng hóa tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu để không xảy ra tình trạng thiếu thốn trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, mặc dù thời gian qua giá cả nhiều mặt hàng có tăng lên, nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về nguồn hàng của Saigon Co.op các mặt hàng bán tại hệ thống đều không bị tăng giá. Ngoài ra, Saigon Co.op còn triển khai thực hiện chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết và có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn; duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, hệ thống Go!, Big C chuẩn bị cho sản lượng thịt lợn có thể cung ứng tăng hơn 20%, thịt gà tăng 25% so với Tết năm trước. Toàn hệ thống cũng chuẩn bị đủ các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết.
Chợ đầu mối trở lại “đường đua”
Ở kênh phân phối truyền thống, khoảng đầu tháng 1/2022, có nhiều ý kiến lo ngại nguồn cung, giá rau củ quả sẽ tăng cao trong dịp Tết. Tuy nhiên, hiện tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đã khôi phục gần 100% hoạt động bình thường, lượng hàng nhập chợ mỗi đêm cũng cải thiện nhiều so với tháng trước.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TPHCM, hiện hoạt động của 3 chợ đã ổn định. Theo thống kê, lượng hàng nhập về 3 chợ tương đối ổn định so với trước đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, dao động đến 8-9 tấn/ngày. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp tết Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương TPHCM đã làm việc với doanh nghiệp bình ổn, chợ đầu mối cũng như các đơn vị phân phối, bảo đảm kế hoạch chuẩn bị lượng hàng. Theo dự báo, từ nay đến trước 23 Tết, lượng hàng sẽ tăng khoảng 1,5 lần và sau 23 Tết có thể tăng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết đã có gần 100% thương nhân kinh doanh rau củ, trái cây và 95% thương nhân kinh doanh thịt heo tham gia bán hàng. Sản lượng rau, thịt, trái cây… về chợ hiện đạt khoảng 95% so với Tết 2021 - khoảng 2.200 tấn hàng/ngày đêm. Theo ông Tiển, so với cùng kỳ năm ngoái, Tết năm nay lượng hàng không nhiều bằng nhưng sức mua thấp nên đang có hiện tượng cung vượt cầu ở tất cả ngành hàng. Giá cả các mặt hàng (kể cả thịt heo) tương đương hoặc giảm nhẹ so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) Phan Văn Dũng cho biết, VISSAN đã chuẩn bị 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 6% so với mùa Tết năm 2021. VISSAN cũng dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt heo đông lạnh được đóng trong các túi từ 1 đến 2kg để có thể phân phối tiện lợi, nhanh chóng trong trường hợp thị trường có biến động.
Tất cả sản phẩm của VISSAN đều được cung ứng với giá bình ổn thị trường. Các cửa hàng VISSAN sẽ mở cửa đến trưa 29 Tết và hoạt động trở lại vào ngày mồng 2 Tết. Tương tự, Công ty cổ phần Ba Huân đã dự trữ lượng trứng gia cầm có thể đáp ứng được 90% nhu cầu của thị trường thành phố trong mùa Tết. Đồng thời, Công ty cam kết không tăng giá bán, bán trứng với giá bình ổn, giảm giá cho công nhân và lao động nghèo.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM:
Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị số lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân khá lớn, lên đến 19.881 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn là 7.221 tỷ đồng. Tỷ lệ dự trữ các mặt hàng thiết yếu chiếm 20%-54% thị phần. TPHCM bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng thiết yếu; kịp thời chi phối, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết. Sở Công Thương TPHCM đã có kế hoạch phối hợp với các DN bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng quan trọng như gia súc, gia cầm, trứng, thịt... Sở cũng sẽ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức khoảng 380 chuyến bán hàng lưu động trên toàn thành phố để phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Dự báo nhu cầu mua sắm Tết của người dân sẽ tăng từ 3% - 20% theo từng nhóm hàng vào dịp này. Ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối đã lên kế hoạch cụ thể, bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Để chủ động về nguồn cung, Hà Nội đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lân cận. Một số đơn vị đã chuẩn bị tăng sản lượng cung ứng so với Tết năm 2021. Ngoài ra, các mặt hàng như rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau tết Nguyên đán.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM:
Thời gian qua, khi thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí sản xuất đã tăng gấp đôi nhưng hàng hóa đưa ra thị trường vẫn được giữ giá. Nhiều doanh nghiệp bán hàng với mức giá hòa vốn, thậm chí lỗ nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng hàng, giữ bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Hiện khó khăn của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm là chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ nguồn trong nước và nhập khẩu đều tăng 20-40%. Song các doanh nghiệp vẫn cam kết với Sở Công Thương TPHCM cung ứng đầy đủ hàng hóa và không tăng giá vào dịp Tết.