Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2018, TPHCM đã công bố danh sách 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Trong đó, Sở Công thương là đầu mối trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực này, qua đó thúc đẩy những sản phẩm công nghiệp tiềm năng khác phát triển.
Do đó, trong năm 2019 này, thành phố sẽ tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Để có những đánh giá toàn diện, theo ông Phạm Thành Kiên, DN cần chia sẻ thông tin thực tế trong hoạt động sản xuất, kể cả thuận lợi lẫn khó khăn. Với những khó khăn thuộc thẩm quyền, Sở sẽ tháo gỡ ngay. Những vấn đề liên quan đến sở ngành khác sẽ được ghi nhận và báo cáo UBND thành phố có chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Làm việc với Đoàn công tác, một số DN trên địa bàn TPHCM cho biết một số khó khăn, như không thể vay vốn ngân hàng hoặc được vay nhưng vốn cho vay rất thấp, không đủ để tái đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm; quy hoạch, sử dụng đất cho doanh nghiệp thiếu ổn định gây khó cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh…
Liên quan đến quy hoạch sản xuất công nghiệp, đại diện Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho biết, hiện thành phố đang xem xét quy hoạch lại các khu chế xuất - khu công nghiệp. Chủ trương của thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chuyển vào các khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung; có chính sách ưu tiên cho DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
Do vậy, về lâu dài, các cơ sản xuất kinh doanh phải tính đến phương án dịch chuyển vào khu chế xuất - khu công nghiệp, chỉ như vậy mới có điều kiện hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, DN còn có cơ hội tận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, vốn, tiếp cận mới công nghệ để cải tiến sản phẩm...