Trong những năm gần đây, món trà sữa trân châu này lại đang gây bão trên toàn thế giới. Mặc dù có hàng tá biến thể khác nhau, nhưng cốt lõi của nó là sự kết hợp giữa trà, sữa và những trân châu được làm từ bất cứ thứ gì từ bột sắn đến thạch trái cây.
Sự khởi đầu của trà sữa trân châu
Sau khi làm việc như một nhà pha chế trong một izakaya ở Đài Loan dưới sự cai trị của Nhật Bản trong Thế chiến II, năm 1949, Chang Fan Shu đã mở một cửa hàng bán trà shou yao (lắc tay) độc đáo được làm bằng máy lắc cocktail.
Kết quả là một loại trà đá phong phú và mượt mà với bọt khí mịn trên đỉnh ra đời và được gọi là trà bọt ở Đài Loan.
Ngày nay, shou yao là thành phần thiết yếu của trà trà sữa trân châu. Không có shou yao, không có trà sữa trân châu.
Vào những năm 1980, khi Đài Loan đang có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, xu hướng đồ uống trà phát triển cùng với sự gia tăng của xu hướng thực phẩm giải trí. Ngoài các sản phẩm trà đóng gói sẵn công nghiệp, còn có nhiều cửa hàng trà trên đường phố và các nhà hàng trà ở vùng ngoại ô đã xuất hiện.
Năm 1986, nghệ sĩ - doanh nhân người Đài Loan là Tu Tsong đã quyết định khởi động một dự án kinh doanh mới bằng cách đi theo xu hướng cửa hàng trà. Trong một lần đi thăm khu chợ Yamuliao ở Đài Nam, ông thấy fenyuan một loại trân châu làm từ khoai mì, món ăn nhẹ truyền thống của người Đài Loan, ông đã nảy ra ý định cho thêm một ít fenyuan vào trà xanh của mình.
“Màu xanh trắng mờ ở bên ngoài cùng với một chấm trắng ở giữa viên bong bóng, khi được pha vào ly trà xanh vàng nó giống như vòng cổ ngọc trai của mẹ tôi. Vì vậy, tôi đã đặt tên nó là trà xanh ngọc trai,” Tu Tsong nói.
Sau đó, Tu đã thử nghiệm bằng cách thêm những viên khoai mì đen lớn hơn vào trà sữa để có hương vị đậm đà hơn và kết cấu dai hơn, nó đã trở thành loại trà sữa trân châu cổ điển mà hầu hết người hâm mộ biết và yêu thích ngày nay.
Trong quá trình tái tạo lại các mặt hàng chủ lực truyền thống, trà trà sữa trân châu là một ví dụ thành công trong việc tái tạo một món ăn truyền thống. Nó đã trở thành một biểu tượng cho sự tự tin và bản sắc của người Đài Loan.
Ngày 30/4 đã được người Đài Loan chọn là Ngày trà sữa trân châu hàng năm.
Gây bão trên toàn thế giới
Theo một nghiên cứu gần đây, ngành công nghiệp trà sữa trân châu dự kiến sẽ tăng gần 2 tỷ đô la lên con số khổng lồ 4,3 tỷ đô la vào năm 2027.
Đơn đặt hàng trà sữa trân châu ở Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng 3.000% trong năm 2018 , trong khi đồ uống này đã xuất hiện trong các thực đơn bên ngoài châu Á trong một thời gian khá lâu. Ví dụ, Đức đã thêm trà sữa trân châu vào thực đơn McDonald vào năm 2012.
Một nhân vật quan trọng khác được cho là đã đưa trà sữa trân châu vào thị trường quốc tế là Assad Khan. Một cựu chủ ngân hàng đầu tư người Anh, ông sở hữu một trong những thương hiệu trà sữa trân châu gia đình lớn nhất ở Anh.
"Tôi đã thưởng thức hương vị trà sữa trân châu đầu tiên khi ở New York năm 2009. Đó là một loại trà sữa trân châu vị khoai môn và nó không giống bất cứ thứ gì tôi từng nếm. Sự thay đổi trong kết cấu với nước giải khát dựa trên trà và bột sắn dây đã tạo ra một món tráng miệng vô cùng độc đáo. Và đó là tình yêu ở ngụm đầu tiên", Khan nói với CNN Travel.
Mặc dù trà sữa trân châu đã trở nên phổ biến ở các khu phố Tàu ở nước ngoài, nhưng nó vẫn chưa có ở những con phố châu Âu. Khan thấy một khoảng trống trên thị trường. Anh quyết định nghỉ việc và ra mắt cửa hàng Bubbleology vào năm 2011ở khu Soho thời thượng của London. Khan đã biến trà sữa trân châu thành một thức uống thời trang ở Anh.
Hiện tại, Bubbleology đang lên kế hoạch giới thiệu một dòng sản phẩm "Skinny Teas" mới được làm bằng đường ăn kiêng và sữa đậu nành hữu cơ nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng hiện đại về sức khỏe.
Biến tấu trà sữa trân châu từ hương vị đến kết cấu
Xu hướng mới của các cửa hàng bán trà sữa trên khắp châu Á trong những tháng gần đây là trà sữa đường nâu. Trà được sử dụng đường nâu tự nhiên và sữa tươi thay vì đường và kem nguyên chất.
Chen San Đinh ở Đài Bắc là một trong những người tiên phong trà sữa đường nâu. Nhưng các cửa hàng Tiger Sugar, Youiccha và Xing Fu Tang đã giúp truyền bá xu hướng trà sữa đường nâu sang Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản và một số nước khác.
Các cửa hàng trà sữa truyền thống cũng đã tham gia vào sự sáng tạo và tiếp tục đa dạng hóa thực đơn của họ. Chẳng hạn, họ thường sử dụng từ "latte" để gợi ý sự hiện diện của sữa tươi và "trà sữa" để chỉ đồ uống có chứa kem và trà.
Nhưng cho dù bạn có thể biến tấu thế nào thì linh hồn của thức uống này vẫn là trà.
Và người Đài Loan dành tình yêu đặc biệt cho trà sữa trân châu hơn là hương vị và kết cấu của nó. Trà sữa không chỉ là gốc rễ mà còn là niềm tự hào của người Đài Loan.