Tin vui nối tin vui
Trong bối cảnh gián đoạn thương mại vì dịch bệnh Covid-19, trái cây nước ta liên tiếp đón nhận những tin vui. Không tính các lô hàng thanh long, dừa tươi, bưởi da xanh, chanh leo… xuất khẩu vào EU theo Hiệp định EVFTA, nhiều loại trái cây khác của nước ta liên tiếp được các nước mở cửa đón nhận.
Trung tuần tháng 10, Chi Lê thông báo chấp nhận nhập khẩu đối với quả bưởi tươi (Citrus maxima) từ Việt Nam và có thể tiếp tục mở cửa cho 3 loại quả gồm anh đào, kiwi, việt quất một cách sớm nhất.
Trước đó, cuối tháng 6, hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã tổ chức xuất khẩu những lô vải thiều đầu tiên gần 5 tấn sang Nhật Bản qua đường hàng không, đánh dấu cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều tiếp cận với các thị trường lớn, khó tính, và cũng là đáp ứng niềm mong đợi của những vùng đất trồng vải nổi danh nhiều thập kỷ nay ở miền Bắc là Thanh Hà và Lục Ngạn.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 10, trong cuộc gặp giữa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, Tham tán thương mại Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các doanh nghiệp Trung Quốc tại TP. Hồ chí Minh với UBND tỉnh Bình Thuận, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Wu Jun khẳng định, Trung Quốc là thị trường to lớn tiêu thụ trái thanh long ở Bình Thuận, nhưng quan hệ thương mại của Bình Thuận đối với các địa phương của Trung Quốc là chưa tương xứng. Phải nâng tầm bằng các giao dịch thương mại chính ngạch.
Không chỉ chờ các đối tác đến tìm hiểu trái cây, nhiều địa phương nước ta cũng chào hàng trái cây khá bài bản. Cam Cao Phong - một thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình với bốn giống cam chính gồm cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh và cam V2, được đánh giá, xếp hạng là sản phẩm OCOP 3 sao. Mới đây, Hòa Bình tỏ rõ quyết tâm nâng hạng cam Cao Phong lên thành sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao. Theo ông Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, việc nâng hạng sao chỉ là bước đầu, bước tiếp theo là marketing xuất khẩu ra nước ngoài.
Cuối tháng 11 này, Bắc Giang sẽ tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn. Tâm điểm của Hội chợ là huyện Lục Ngạn sẽ liên kết với Công ty Cổ phần Logistics Những ngôi sao khai trương sàn giao dịch điện tử nhằm đưa cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện lên sàn giao dịch điện tử để mời chào các đối tác trong và ngoài nước.
Chuẩn bị tiêu chuẩn “sàn”
Dù mới ở dạng mời chào đối tác nước ngoài, hay đã được cơ quan chính thống của các quốc gia chấp nhận cho nhập khẩu, thì trái cây nước ta vẫn phải vượt qua hàng rào kỹ thuật nếu muốn xuất ngoại.
Đơn cử như quả vải thiều. Năm 2014 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bắt đầu đàm phán với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản nhằm xúc tiến mở cửa thị trường Nhật cho quả vải thiều Việt Nam. Nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt đã được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các loại vi sinh vật (là đối tượng kiểm dịch thực vật) có khả năng tồn tại trên quả vải.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã thu xếp đưa đối tác Nhật về Bắc Giang tìm hiểu khả năng nhập khẩu quả vải thiều Lục Ngạn và giới thiệu công nghệ bảo quản vải tươi của Nhật Bản 3 lần, vào tháng 11/2018, tháng 5/2019 và tháng 11/2019.
Ngày 15/12/2019, sau hơn 5 năm đàm phán giữa hai bên, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản gửi thư cho Cục BVTV thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.
Nhưng để xuất khẩu sang Nhật, quả vải thiều Việt Nam phải đáp ứng 3 điều kiện: (i) Được trồng tại các vườn được Cục BVTV kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản; (ii) Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục BVTV và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản; và (iii) Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục BVTV cấp.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của hàng rào kỹ thuật đối với từng quốc gia, các doanh nghiệp và hộ nông dân nước ta đã bắt đầu nhập cuộc, tham gia vào hành trình xuất ngoại bài bản.
Điển hình là cam Cao Phong. Mặc dù được công nhận chỉ dẫn địa lý từ 2017, nhưng Hợp tác xã cam Cao Phong 3T Farm đang tiếp tục chuẩn hóa quy trình sản xuất chăm sóc GlobalGap (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Gần 30h diện tích trồng cam đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón.
Khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất kỹ lưỡng, chỉ có khoảng 8 - 10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt. Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch, chiếu đèn cực tím để khử trùng và được dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả cam trước khi đóng gói vào hộp quà tặng được thiết kế đẹp mắt và độc đáo. Những nỗ lực này nhằm mục đích đạt mức sàn cơ bản về hàng rào kỹ thuật. Sau khi cam Cao Phong được một thị trường nào đó chấp nhận, sẽ hoàn thiện nốt những yêu cầu cụ thể của thị trường đó một cách dễ dàng.
Tương tự là câu chuyện trái bưởi vào Chi Lê, trái chuối vào Nhật Bản, hay thanh long, chanh leo vào EU. Tiêu chuẩn “sàn” là phải được cấp mã số vùng trồng; chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGap; với mỗi lô hàng xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ và phải được cấp chứng thư xuất khẩu. Tiếp đến mới là đáp ứng các tiêu chuẩn yêu kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật tùy thuộc vào yêu cầu của từng thị trường cụ thể.