Ở lần xem xét hành chính lần thứ 9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra cách tính thuế chống bán phá giá mới với tôm Việt Nam. Cách tính này được cho là ngặt nghèo nhất từ trước tới nay, các công ty xuất khẩu tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất với mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%, khiến cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất lợi.
Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố, việc DOC áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam là không công bằng, các hoạt động thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng. Song qua đó cho thấy, Mỹ là thị trường rất khắt khe, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ thị hiếu tiêu dùng và những quy định về sản phẩm hàng hóa nhập khẩu của thị trường này để đảm bảo sản phẩm của mình thâm nhập thị trường an toàn và thuận lợi nhất.
Xu hướng tiêu dùng
Người Mỹ có thu nhập cao và nhu cầu sử dụng thủy sản rất đa dạng. Hầu như người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến việc đánh bắt thủy hải sản và hậu quả đối với môi trường và xã hội của việc đánh bắt đó. Do đó, xu hướng nhằm vào các nhà bán lẻ phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tôm đông lạnh nhập khẩu được người Mỹ ưa thích cả về hình thức và kích cỡ phổ biến. Người tiêu dùng thường mua tôm với nhiều cỡ khác nhau, thông dụng nhất là cỡ 26-30 con/pound (pound ≈ 0,45 kg) và 36-40 con/pound. Ngoài ra, tôm sú, tôm nâu, tôm hùm cũng là mặt hàng tiêu thụ nhiều ở Hoa Kỳ. Thị trường tôm của Mỹ có xu hướng rất rõ ràng theo yêu cầu về sức khỏe và thuận lợi cho người tiêu dùng. Cũng như thế, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Đưa hàng thủy sản vào Mỹ
Trên thực tế, thuỷ sản nhập vào thị trường Mỹ không quản lý bằng hạn ngạch mà quản lý bằng hai biện pháp chủ yếu: Thuế nhập khẩu thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ bằng các biện pháp kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường đánh bắt, nuôi trồng.
Các sản phẩm thủy hải sản khi nhập khẩu vào Mỹ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ. Chứng nhận được nhiều người biết đến là nhãn MSC (Marine Stewardship Council, Hiệp hội quản lý hàng hải, http://www.msc.org), được dán trên cái túi bán lẻ và người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy được.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa các sản phẩm đã có nhãn mác và nhãn hiệu riêng biệt. Tôm đã có nhãn mác đặc biệt rất quan trọng trong phân khúc sản phẩm đông lạnh và đã được chế biến.
Theo Bộ luật Liên bang Mỹ 21 CFR, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài nào đã thực hiện chương trình HACCP có hiệu quả mới được xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường Mỹ. Đây là một hệ thống quản lý chất lượng mang tính phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng thực phẩm thông qua việc phân tích những mối nguy và thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các điểm kiểm soát tới hạn.
HACCP nhấn mạnh tính nhất thiết phải kiểm soát dây chuyền công nghệ sản xuất để đảm bảo an toàn, vệ sinh cho sản phẩm thay vì kiểm soát sản phẩm cuối cùng.
Để được phép đưa hàng thuỷ sản vào Mỹ, doanh nghiệp phải gửi kế hoạch, chương trình HACCP cho Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khi cần thiết thì họ có thể kiểm tra. Nếu FDA kết luận là đạt yêu cầu thì cấp phép cho doanh nghiệp đó. Tất cả các sản phẩm khi nhập khẩu đều phải có giấy chứng nhận quốc tế ISO 9002 và HACCP. Về nhãn mác, phải ghi đúng tên chủng loại thường dùng ở Mỹ.
Mỹ là một thị trường rộng lớn nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ lại rất cao. Một sản phẩm thủy sản phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, độ an toàn vệ sinh thực phẩm và hàm lượng chất dinh dưỡng thì mới có đủ khả năng xuất hiện và cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nếu không có đủ tất cả các yêu cầu trên thì sản phẩm đó sẽ bị sản phẩm của các hãng khác cạnh tranh loại bỏ, hoặc bị chính người tiêu dùng Mỹ tẩy chay, khả năng tồn tại và phát triển của sản phẩm đó là rất khó khăn. Về phía Chính phủ Mỹ cũng có rất nhiều quy định đặt ra cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Khi đưa sản phẩm thủy sản vào thị trường Mỹ, chúng ta phải quan tâm và hiểu được hệ thống pháp luật của Mỹ, vì hệ thống luật của Mỹ rất phức tạp, chặt chẽ và khá mới lạ với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Nếu không nghiên cứu, tìm hiểu rõ thì các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hậu quả thiệt hại nặng nề trong kinh doanh.
Các tiêu chuẩn kỹ thuật thủy sản nhập khẩu vào Mỹ:
- Các quy định về dịch tễ vệ sinh an toàn: Quy định này được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của người, vật nuôi và cây trồng.
- Các biện pháp đối với người tiêu dùng: Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất.
- Các biện pháp thương mại: Bao gồm các chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và tiêu chuẩn đo lường.