Tham dự hội thảo về phía Trung ương có: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 10) và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách thể chế để phục vụ mục tiêu phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được mọi nguồn lực để Thủ đô phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
PGS.TS Lê Hải Bình đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ một số nội dung trọng tâm. Trước hết là sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, có những chính sách “mở đường”, đột phá trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Đồng thời vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Từ kinh nghiệm quốc tế, gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Từ đó, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Ban tổ chức nhận được 62 bài viết của các tác giả là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô.
Hội thảo không chỉ làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong triển khai Luật Thủ đô, có giá trị nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các chủ thể tham gia công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, mà còn gợi mở những tầm nhìn, tư duy, hành động mang tính đột phá, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển xứng tầm của Hà Nội trong giai đoạn mới.