Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Đề án. Trong năm 2021 phải hoàn thành các mục tiêu cụ thể sau:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp.
- Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 40%, 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 100% Trung tâm phục vụ hành chính công.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn; tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Về công tác xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai, thực hiện ở cả 4 cấp chính quyền, không gửi kèm bản giấy, thực hiện lưu trữ điện tử và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2021.
Hoàn thành việc xây dựng các chế độ báo cáo điện tử của bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng như các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của bộ, ngành, địa phương để tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.
Thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi, cắt giảm chi phí trước khi xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại bộ, ngành, địa phương để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử./.