Xây dựng trụ cột Công Thương trong lòng cuộc kháng chiến
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một kỷ nguyên mới được mở ra, ngành Công Thương non trẻ của buổi đầu lập quốc đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy cao độ lòng yêu nước của mọi giới, mọi ngành; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đem tài lực, vật lực ra làm những việc ích nước, lợi nhà.
Những chính sách đó đã trực tiếp đưa thóc gạo cùng các mặt hàng phục vụ nền kinh tế và đời sống nhân dân được tự do lưu thông từ Bắc vô Nam, từ miền xuôi lên miền ngược; bãi bỏ mọi luật lệ hạn chế quyền tự do kinh doanh của chính quyền Pháp ban hành. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nền kinh tế quốc dân đã thay đổi rõ rệt. Nạn đói được đẩy lùi - một kỳ tích của Chính phủ chưa đầy một năm tuổi.
Tháng 5 năm 1946, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Chính phủ ban hành Sắc lệnh bãi bỏ những đạo luật và nghị định của Toàn quyền Pháp giữ độc quyền tìm kiếm và khai thác mỏ; giành lại quyền thành lập khu mỏ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính phủ cho mở lại các mỏ than ở Hòn Gai, Tân Trào (Tuyên Quang), Làng Cẩm, Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quyết Thắng (Ninh Bình), tiếp tục khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng); gấp rút hồi phục Nhà máy Cơ khí Trường Thi. Nhà máy Giấy Đáp Cầu.
Giữa những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương; Từ mốc son này, ngành Công Thương Việt Nam bắt đầu mở ra trang sử vẻ vang của mình. Sự phát triển vững mạnh của các trụ cột công nghiệp và thương mại ngay trong lòng cuộc kháng chiến tạo ra nền tảng hạ tầng kỹ thuật - kinh tế căn bản cho công cuộc kiến thiết sau này.
Hậu phương vững chắc
Nhưng khi vết thương chưa lành hẳn, chúng ta lại đứng trước một thử thách khắc nghiệt khi đế quốc Mỹ thay chân Pháp ở miền Nam, và ngành Công Thương bước vào cuộc chiến đấu mới, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam, phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước.
Địch đánh phá vào các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp và thương mại của miền Bắc thì ta thực hiện phân tán về các địa phương; lấy đơn vị tỉnh làm địa bàn xây dựng công nghiệp, thương mại địa phương toàn diện. Địch lấy điện lực làm mục tiêu đánh phá ác liệt nhất, thì cán bộ, công nhân ngành Điện nêu cao khẩu hiệu “giữ vững dòng điện như mạch máu”.
Cuộc đối đầu của bom đạn và ý chí ngày càng làm tăng thêm vòng luân chuyển con người, hàng hóa, xăng dầu, vũ khí… qua đại ngàn Trường Sơn, Tây Nguyên hùng vĩ cho đến ngày thống nhất đất nước. Đến cuối năm 1975, ở miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa đã hình thành một nền công nghiệp tự chủ. Cơ cấu công nghiệp đã phát triển hoàn chỉnh hơn, bao gồm các ngành công nghiệp nặng như điện, than, gang thép, chế tạo máy công cụ; công nghiệp hóa chất; công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm. Song song đó là một mạng lưới thương nghiệp rộng khắp, đến tận các bản làng.
Hòa nhịp cùng sự nghiệp Đổi mới
Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, ngành Công Thương kịp thời điều chỉnh cơ cấu, coi trọng công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn; phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đây cũng là thời kỳ ngành Công Thương tham mưu cho Đảng và Chính phủ nhiều chính sách mở rộng quan hệ ngoại thương.
Đến năm 2000 nước ta ký Hiệp định thương mại với 61 nước, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2000 đạt 184,2 USD, đưa nước ta ra khỏi danh sách các nước có nền ngoại thương kém phát triển.
Từ những chiếc gùi, xe đạp thồ trên chiến khu, thương mại đã mở đường khơi thông dòng chảy hàng hóa. Sức vươn lên nhanh chóng của hạ tầng thương mại đã mở ra cho dòng chảy hàng hóa lưu thông thông suốt. Hệ thống bán buôn, bán lẻ bao phủ rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến biên giới hải đảo đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho sản xuất và tiêu dùng.
Đến nay, trên thị trường xuất khẩu, dòng chảy hàng Việt tỏa đi đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ. Các FTA đã mở đường cho những mặt hàng có thế mạnh như điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, sữa, hàng nông sản… theo chân các con tàu đi khắp các đại dương.
Cùng với 15 FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội kết nối, tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Cán cân thương mại liên tục thặng dư từ 2016 đến nay, năm sau cao hơn năm trước, đạt mức xuất siêu kỷ lục 19,95 tỷ USD năm 2020.
Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi cơ cấu, tổ chức và tên gọi, ngành Công Thương đã lớn mạnh cùng đất nước. Cho tới nay đã bao quát đến 70% GDP, trải dài trên nhiều lĩnh vực hoạt động từ sản xuất, kinh doanh tới phân phối lưu thông, ngành Công Thương đã xây dựng được một hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ cho nền kinh tế.
Phía trước là tương lai rạng ngời và hành trình vẻ vang 70 năm qua đã trở thành nền tảng vững chắc, giúp ngành Công Thương có thêm động lực, sự tự tin để thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu” như Báo cáo của BCH Trung ương Đảng Khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.