Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW), triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là "tươi sáng" nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặt biệt là trong quý IV/2020.
Cụ thể, các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19 sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm.
Báo cáo cũng lưu ý cả Indonesia và Philippines vẫn rất dễ bị tổn thương vì hai nước này có cơ sở hạ tầng y tế công yếu kém hơn, các mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và nền kinh tế hướng theo tiêu dùng hơn so với các nước khác trong khu vực.
Tốc độ phục hồi của Indonesia được cho là chậm. GDP năm 2020 của Indonesia dự kiến giảm 2,7% trước khi tăng 6,2% trong năm 2021.
Trong khi đó, Philippines được dự báo ghi nhận số liệu GDP kém nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức ước giảm 8,2% trong năm nay do phụ thuộc vào ngành du lịch và chậm dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch bệnh.
Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia được hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu được cải thiện của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế của Malaysia sẽ chậm do nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư suy yếu trên toàn cầu.
Nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ giảm 6% trong năm 2020 trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2021.
Giám đốc khu vực của ICAEW, Mark Billington, đánh giá con đường phục hồi của các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ còn dài do những căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, sự giảm tốc dài hạn trong hoạt động thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của khu vực.