Tình hình xuất khẩu:
Việt Nam hiện có trên 100 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dây và cáp điện. Nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này với qui mô lớn, như: Công ty cổ phần Dây và cáp điện Taya Việt Nam, Furukawa Automotive Parts Việt Nam, Sumi - Hanel, LG - Vina... Một số doanh nghiệp trong nước cũng sản xuất và xuất khẩu dây và cáp điện có qui mô lớn, tiêu biểu là Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi). Tuy nhiên, xuất khẩu của nhóm hàng này chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp FDI thực hiện, nhất là các công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc như LG - Vina, Sumi - Hanel, ABB, Alpha Nam, E- Hin...
Trong tháng 7/2009, Việt Nam đã có thêm thị trường xuất khẩu dây và cáp điện mới, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp, chỉ đạt 68 triệu USD, giảm 8,7% so với tháng 6/2009. Tính chung 7 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 390 triệu USD, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng xuất khẩu chính là bộ dây điện dùng trong xe ô tô và cáp điện bọc nhựa. Giá xuất khẩu chủng loại bộ dây điện dùng trong ô tô tăng trung bình 4,5%/bộ so với tháng 6/2009, cá biệt có chủng loại xuất khẩu sang Nhật Bản tăng tới 9%. Sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất là hệ thống dây dẫn điện ô tô 82121-42B80-G10, với lượng xuất khẩu đạt 10.300 bộ, trị giá 0,63 triệu USD, tăng 5.300 bộ, tương đương 0,32 triệu USD so với tháng trước, giá xuất khẩu trung bình tăng 0,68 USD/bộ. Hệ thống dây dẫn điện ô tô 82141-28J00-R00 xuất khẩu 4.000 bộ, tương đương 0,56 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 139,2 USD/bộ, tăng 1,26 USD/bộ so với cùng kỳ tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cáp điện bọc nhựa đạt 4,2 triệu USD, cáp mạng cách điện đạt 1,55 triệu USD, tăng 130% so tháng 6/2008, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1,27 triệu USD. Một số mặt hàng như dây cáp quang đã bắt đầu chiếm lĩnh được thị phần tại một số nước như Cu Ba, Singapo, Campuchia, nhưng giá vẫn còn rất thấp.
Thị trường xuất khẩu:
Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 40 thị trường xuất khẩu dây và cáp điện, nhưng Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hồng Kông vẫn là những thị trường lớn. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hồng Kông đã chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 49 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 6/2009, nguyên nhân chính là do xuất khẩu bộ dây điện dùng trong ô tô giảm, chỉ đạt 45 triệu USD, giảm 2 triệu USD so với tháng 6/2009. Kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 8,7 triệu USD, tăng 7,3% so với tháng 6/2009. Mức tăng trưởng này là khá cao trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn. 7 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam sang Hồng Kông luôn đạt mức từ 1,3 – 1,9 triệu USD và luôn nằm trong nhóm 5 nước có kim ngạch ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang Ôxtrâylia giảm mạnh, do xuất khẩu cáp điện bọc nhựa giảm.
Dự báo khả năng xuất khẩu trong thời gian tới:
Kinh tế thế giới đang dần hồi phục, do đó, nhu cầu về dây và cáp điện sẽ gia tăng, đồng thời giá sẽ được cải thiện. Mặt hàng chủ lực là dây điện dùng trong ô tô xuất sang Nhật Bản luôn có tốc độ tăng trưởng đều, với mức giá tăng trung bình khoảng 6,7% trong quý II/2009. Dự báo, lượng xuất khẩu dây điện dùng trong ô tô sang Nhật Bản sẽ tăng 15%/tháng trong quý III, chủ yếu là các sản phẩm thế hệ mới.
Thị trường dây và cáp điện thế giới chỉ tăng trưởng 3-4%/năm, không cản trở nhiều đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, do tỷ trọng hàng dây và cáp điện của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất nhỏ bé, mới tập trung vào một vài thị trường “ngách” với sản phẩm có chất lượng cao. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu dây và cáp điện chủ yếu sang một số thị trường chính như Nhật Bản và Hoa Kỳ, vì vậy, khả năng xuất khẩu mặt hàng này phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của 2 thị trường trên.
Việc đầu tư cho lĩnh vực sản xuất cáp điện trong nước đã có nhiều khởi sắc. Từ tháng 5 - 6/2009, các công ty đóng vai trò lớn trong xuất khẩu dây và cáp điện như Furukawa, Nissei Electrics, Sumidéno, Yazaki, Sumi-Hanel... đã bắt đầu mở rộng sản xuất, nhập rất nhiều nhựa nguyên liệu và kim loại màu (đồng, nhôm). Giá nguyên liệu sản xuất dây và cáp điện đang tăng, vì vậy giá xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng trong thời gian tới. Như vậy trong ngắn hạn, xuất khẩu mặt hàng dây và cáp điện sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Ý kiến đề xuất:
Để duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dây điện và cáp điện, các doanh nghiệp nên tranh thủ tìm, mở rộng thị trường mới và còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là những thị trường đang có chính sách kích cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho công nghiệp hóa... Một mặt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ nếu không muốn bị các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và Thái Lan bỏ xa. Mặt khác, chú trọng khâu xúc tiến thương mại, tiếp cận, mở rộng thị trường mới và còn nhiều tiềm năng như Trung Đông và châu Phi, Bănglađét, Campuchia, Lào… nhằm đa dạng hóa đầu ra cho xuất khẩu dây và cáp điện của Việt Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến giá các loại nguyên liệu trên thị trường thế giới để có những phương án sản xuất kinh doanh hợp lý. Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, sản xuất các loại dây, cáp điện có giá trị cao và có khả năng thâm nhập vào các thị trường có nhu cầu ổn định.