Cao su: hàng năm thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD cao su tự nhiên và khoảng 550 triệu USD cao su tổng hợp các loại, có nhu cầu lớn về các loại cao su RSS3 và ISR20, chủ yếu do Thái Lan và Inđônêxia cung cấp, cao su Việt Nam mới chiếm khoảng 1/3% thị phần. Năm 2008, cao su Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 50 triệu USD với những sản phẩm chủ yếu là đế cao su để sản xuất giày, đệm cao su, lốp ôtô và xe đạp, giày ống cao su, chỉ thun... Hai chủng loại cao su mà thị trường Nhật Bản tiêu thụ nhiều là RSS3 và TSR20 thì Việt Nam lại ít sản xuất.
Nhật Bản có nhu cầu tiêu thụ lớn và ổn định về cao su, nhưng yêu cầu cao về chất lượng, bảo đảm thời hạn giao hàng, yếu tố môi trường, kinh doanh uy tín. Để tạo được mối quan hệ làm ăn lâu dài với phía đối tác, doanh nghiệp Việt Nam phải kiên trì trong xây dựng quan hệ, gây dựng uy tín, có năng lực sản xuất thực sự, đặc biệt là phải tạo điều kiện cho phía đối tac Nhật Bản tới tham quan cơ sở sản xuất, chú trọng sản xuất những chủng loại mà thị trường đang có nhu cầu lớn.
Đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ: Hiện nay thị trường đồ gỗ Nhật Bản chiếm khoảng 12% thị phần toàn thế giới, năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đạt 430 triệu USD các sản phẩm loại này, tăng 25% so với năm 2007. Xu hướng trên thị trường đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Nhật Bản là hạn chế sản xuất trong nước và gia tăng nhập khẩu, nhất là từ các nước ASEAN và Trung Quốc. Những năm gần đây có sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng, nhìn chung người tiêu dùng chú trọng nhiều đến sự tiện dụng của sản phẩm hơn là thương hiệu của hàng hóa. Đặc điểm tiêu thụ của thị trường Nhật Bản là có xu hướng và thẩm mỹ Á Đông với nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam đang tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản là mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, vải thổ cẩm, đồ trang sức... Gần đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tìm mua từ Việt Nam các sản phẩm như đồ chơi, quà tặng, đồ trang trí nội thất làm từ nguyên liệu thiên nhiên...
Yêu cầu của thị trường Nhật Bản rất khắt khe với nhóm hàng thủ công mỹ nghệ về thời hạn giao hàng. Vì khách hàng có thói quen mua hàng theo mùa, nhất là những sản phẩm mỹ nghệ mang tính nghệ thuật cao thì tính mùa vụ càng rõ rệt, nếu nhà xuất khẩu không đáp ứng đúng thời hạn giao hàng, hàng hóa bị lỗi mùa sẽ không bán được. Chất lượng sản phẩm cũng có yêu cầu cao, độ tinh xảo và tính cá biệt của sản phẩm rất được quan tâm. Theo quan niệm của người tiêu dùng Nhật Bản, hàng hóa trước hết phải tốt và đẹp, nếu không thì dù giá rẻ cũng không bán được. Ngoài ra, khách hàng rất thích những sản phẩm độc đáo, làm từ nguyên liệu tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, an toàn cho người sử dụng. Đây chính là thế mạnh của các làng nghề truyền thống Việt Nam. Điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm lúc này là sự linh hoạt trong thiết kế sản phẩm, nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, nếu không sẽ hạn chế sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các sản phẩm cùng loại có chất lượng tương đương xuất khẩu của Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia... Trên thực tế, có nhiều sản phẩm đồ gỗ có chất lượng trung bình, giá bán thấp mang nhiều xuất xứ khác nhau đang tiêu thụ tốt trên thị trường, trong khi đó nhiều sản phẩm cùng loại của Việt Nam lại khó bán. Điểm khác nhau là ở chỗ, sản phẩm của các nước khác có ưu điểm là dễ tháo lắp và tiện dụng hơn hàng của Việt Nam. Hơn nữa, sản phẩm của Việt Nam lại chậm thay đổi mẫu mã theo thị hiếu người tiêu dùng nên ít được chọn mua. Đã có nhiều sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, nhưng lại khó bán tại thị trường Nhật Bản do không phù hợp thị hiếu khách hàng.
Thủy sản: Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam, chỉ sau EU. Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 5,4% thị phần tại Nhật Bản trong tổng kim ngạch nhập khẩu 12 tỷ USD/năm, riêng năm 2008 chiếm 6,2% thị phần.
Hạn chế của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam là ở khâu nuôi trồng, đánh bắt, bảo quản và chế biến, trong khi rào cản kỹ thuật tại thị trường Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Vấn đề cần quan tâm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lúc này là khâu nghiên cứu thị trường để nắm bắt thị hiếu và khẩu vị của khách hàng, từ đó chủ động sản xuất những sản phẩm phù hợp. Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách kiểm soát dư lượng kháng sinh trong thủy sản của Nhật Bản.
Thực phẩm: Nhật Bản hiện đang nhập khẩu tới 63% nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nói chung trong tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ khoảng 54 tỷ USD/năm. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến các loại thực phẩm của Việt Nam như cá, nước mắm, mật ong, khoai các loại... Nhiều loại thực phẩm của Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm ở Nhật Bản. Yếu tố quan tâm nhất của người tiêu dùng Nhật Bản đối với nhóm hàng này là vấn đề an toàn thực phẩm. Có tới 65% số người tiêu dùng được hỏi ý kiến cho biết, họ coi yếu tố an toàn thực phẩm là trên hết, sau đó mới đến các chỉ số khác như độ ngon, độ tươi sống, có lợi cho sức khỏe... Bên cạnh đó, người tiêu dùng Nhật Bản còn rất quan tâm đến các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng, các loại thực phẩm ít béo, nhiều chất xơ. Trong số các nước đang xuất khẩu nhiều thực phẩm vào Nhật Bản, Trung Quốc đi đầu trong việc quan tâm đáp ứng các đòi hỏi của thị trường, họ đang chuyển mạnh từ cạnh tranh về giá cả sang cạnh tranh về chất lượng, đi đôi với mẫu mã luôn cải tiến đáp ứng thị hiếu khách hàng.
Để bảo đảm tính an toàn của sản phẩm, các loại thực phẩm khi nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải được dán tem xác nhận độ an toàn; thực phẩm đóng hộp phải dễ mở, có kích cỡ nhỏ (có thể chỉ dùng hết 1 lần). Muốn vậy, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu phải đặc biệt quan tâm đến qui trình sản xuất, các tạp chất và ngoại vật từ nguyên liệu gốc phải được loại bỏ bằng phương pháp thích hợp, nguyên liệu đưa vào chế biến phải bảo đảm độ tươi ngon, không được lưu kho lâu ngày. Các nhà nhập khẩu Nhật Bản khi lựa chọn đối tác cung cấp nước ngoài, họ rất quan tâm đến các yếu tố như qui trình sản xuất, những thông tin về xuất xứ của thành phần nguyên liệu, chứng nhận về điều kiện sử dụng hóa chất trong sản phẩm, về bao bì đóng gói, các chứng chỉ ISO, HACCP.
Dệt may: Nhật Bản là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Trong ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất vào Nhật Bản, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vào Nhật Bản của ASEAN. Đến nay, ASEAN 6 đã đạt được tiêu chí xuất xứ hàng dệt may xuất khẩu vào Nhật Bản với mức thuế ưu đãi 0%, trong khi hàng dệt may Việt Nam vẫn phải chịu thuế suất 10%. Hiệp định EPA đã được ký, nhưng ngay cả khi có hiệu lực thi hành và Việt Nam được hưởng thuế suất 0% thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn có khó khăn. Đó là yêu cầu về nguyên liệu phải được khai thác từ nội địa, nếu không thì phải được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc từ ASEAN. Trên thực tế, hiện nay có tới trên 70% nguyên liệu dệt may của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nước khác không thuộc xuất xứ kể trên. Nếu không khắc phục được khó khăn này thì sản phẩm dệt may Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước ASEAN và Trung Quốc về giá cả và chất lượng khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Hàng dệt may ở Nhật thường được chia thành 4 nhóm chính là: hàng thời trang cao cấp (thể hiện chủ yếu ở mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng, chất lượng); hàng mang tính thủ công truyền thống; hàng sản xuất từ nguyên liệu thô; hàng sản xuất bằng kỹ thuật thấp. Về kênh phân phối, hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản thường đi qua hệ thống phân phối bắt đầu từ công ty chuyên ngành, đến các nhà bán buôn, đến người bán lẻ rồi đến tay người tiêu dùng.
Hoa: Những năm gần đây thị trường Nhật Bản nhập khẩu trung bình 500 - 600 triệu USD hoa các loại từ các nước xuất khẩu hoa hàng đầu thế giới như Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Côlômbia..., trong đó Hà Lan chiếm thị phần cao nhất (khoảng 27%). Việt Nam được đánh giá là 1 trong 7 thị trường tiềm năng cung cấp hoa cho thị trường Nhật Bản. Nhu cầu tiêu thụ hoa các loại của người dân Nhật Bản đang tăng nhanh, khoảng 10%/năm. Hoa nhập khẩu vào Nhật Bản gồm nhiều loại như hoa cắt cành, hoa giống, hoa nụ, hoa khô... Các doanh nghiệp đang xuất khẩu hoa vào thị trường Nhật Bản cho rằng, hoa của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước đã nổi tiếng có thị phần ổn định tại thị trường, mà nên phát huy lợi thế về xuất khẩu các loại hoa nhiệt đới, nhất là lan rừng, phong lan cắt cành, hoa lan chậu, các loại cành ghép... đang được người tiêu dùng Nhật Bản rất quan tâm.
Kinh nghiệm cho thấy, để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xúc tiến mạnh việc tìm kiếm khách hàng và marketing vào 2 thời điểm trong năm là các tháng 1-2 và tháng 6-7. So với nhiều nước khác thì kim ngạch xuất khẩu hoa của Việt Nam sang Nhật Bản còn quá ít, chỉ khoảng 8 triệu USD/năm, trong khi tiềm năng thị trường rất lớn. Cách thức tiếp cận khách hàng tốt nhất là gửi mẫu hoa bằng hình ảnh và miêu tả chi tiết qua e-mail chào hàng, bởi khách hàng Nhật Bản thường tiết kiệm chi phí nên thích dùng e-mail. Đặc biệt, thị trường không chấp nhận các loại hoa sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc làm đẹp cho hoa.