Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, trên cơ sở được Chính phủ giao nhiệm vụ, trong giai đoạn 2021-2022, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã xây dựng hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các thủ tục, thời hạn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngày 08/6/2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 3203/TTr-BCT báo cáo Chính phủ về Dự án Luật. Dự án Luật đã được các Thành viên Chính phủ nhất trí về nội dung.
Ngày 01/8/2022, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Tờ trình số 257/TTr-CP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ngày 15/8/2022, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị Dự án Luật của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 26/9/2022, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Tờ trình số 347/TTr-CP báo cáo Quốc hội về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo Chương trình làm việc của Quốc hội, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022).
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Theo dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.