Chính phủ cũng xác định các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%.
Để đạt những mục tiêu nêu trên, Chính phủ đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Một là, quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; chủ động các phương án để kịp thời ứng phó với các tình huống; huy động mọi nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư;…
Hai là, củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn ưu đãi nước ngoài; tận dụng triệt để và phục hồi thương mại toàn cầu, chuyển dịch đầu tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;…
Ba là, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Đẩy mạnh rà soát, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó chủ động sửa đổi, hoàn thiện.
Bốn là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông tin; đẩy mạnh đổi mới công nghệ; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Năm là, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội.
Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia.
Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; thu hút FDI theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, có chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa và kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước;…
Sáu là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, nội vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới. Phấn đấu ít nhất có ba đô thị thông minh tại ba khu vực kinh tế trọng điểm.
Bảy là, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng; thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp…
Tám là, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.
Chín là, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030;…
Mười là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Thực hiện chính sách Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập.