Ngày 27/12, Cục Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) công bố, đến cuối tháng 9 số dư nợ nước ngoài toàn phần (bao gồm cả nội tệ và ngoại tệ) của Trung Quốc là 2.032,5 tỷ USD đạt mức cao kỷ lục.
Cụ thể, từ góc độ cơ cấu đáo hạn, số dư nợ nước ngoài trung và dài hạn là 827 tỷ USD, chiếm 41%, số dư nợ nước ngoài ngắn hạn là 1.205,5 tỷ USD, chiếm 59%.
Trong số dư nợ nước ngoài ngắn hạn, tín dụng liên quan đến thương mại chiếm 43%.
Từ góc độ cơ cấu tiền tệ, số dư nợ nước ngoài bằng nội tệ là 682,7 tỷ USD, chiếm 34%; số dư nợ nước ngoài bằng ngoại tệ (bao gồm phân bổ SDR - quyền rút vốn đặc biệt) là 1.349,8 tỷ USD, chiếm 66%.
Trong số dư ngoại tệ đã đăng ký, số dư nợ nước ngoài bằng USD chiếm 83%, nợ bằng Euro chiếm 8%, nợ bằng HKD (đô-la Hồng Kông) chiếm 5%, nợ bằng đồng Yên Nhật chiếm 2% và các khoản nợ ngoại tệ khác chiếm 2%.
Bà Vương Xuân Anh (Wang Chunying), người phát ngôn của SAFE khi trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết, tỷ lệ nợ nước ngoài bằng nội tệ và nợ nước ngoài trung và dài hạn tăng lần lượt 3% và 6% so với cuối năm 2017.
Dẫu quy mô nợ nước ngoài của Trung Quốc đã tăng lên, nhưng cơ cấu nợ nước ngoài vẫn tiếp tục ổn; quy mô của các khoản nợ nước ngoài nội tệ và nợ nước ngoài trung và dài hạn vẫn tiếp tục tăng ở mức ổn định.
Bà Vương Xuân Anh nói: “Cán cân thu chi của Trung Quốc vẫn cơ bản cân bằng và cơ cấu nợ nước ngoài vẫn tiếp tục giữ được trạng thái tốt”.
Nhưng bà Vương cũng thừa nhận "kể từ đầu năm nay, các thách thức rủi ro trong và ngoài nước đã gia tăng rõ rệt".
Vào tháng 11 năm nay, Tập đoàn Tewoo Group Co., Ltd thuộc sở hữu nhà nước quy mô lớn ở Thiên Tân đã không trả được trái phiếu bằng đô la Mỹ 1,25 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Trung Quốc bội ước trái phiếu trong 20 năm qua.
Tập đoàn đã đưa ra một thông báo nói, nhà đầu tư chỉ có thể chấp nhận trả chậm hoặc chấp nhận thiệt hại 64%. Tập đoàn này là một hãng buôn bán hàng hóa 100% vốn nhà nước hoàn toàn thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Thiên Tân.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Nomura dự đoán rằng quý II năm 2020 sẽ là giai đoạn cao điểm để các công ty Trung Quốc đại lục trả nợ trái phiếu bằng USD ở nước ngoài.
Trong vòng một năm từ sau quý IV năm nay, mỗi quý có tới hơn 40 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu USD đáo hạn, nhưng các công ty Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn như đồng Nhân dân tệ mất giá, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng trưởng lợi nhuận giảm sút và rủi ro tài chính ở Trung Quốc gia tăng, áp lực trả nợ gia tăng lên và rủi ro vỡ nợ cũng tăng lên.
Từ số liệu hàng năm, số dư nợ nước ngoài của Trung Quốc đứng thứ 13 trên thế giới vào cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ nước ngoài là 14%, tỷ lệ nợ là 74% và tỷ lệ trả nợ là 5,5%.
Các nhà phân tích trước đó cho biết, các chính sách của Bắc Kinh đã khiến khối nợ nước ngoài của Trung Quốc trầm trọng hơn. Để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR), Trung Quốc đã vay USD trên thị trường quốc tế và cho vay trên khắp thế giới cho tất cả mọi thứ từ đường sắt Kenya đến các khu kinh doanh của Pakistan.
Năm 2019 và 2020 được cho là là năm cao điểm để trả nợ, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực trả nợ các khoản vay bằng đồng USD. Để làm điều này, các công ty Trung Quốc sẽ phải rút tiền từ dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương (một triển vọng Bắc Kinh khó có thể cho phép) hoặc mua USD trên thị trường quốc tế.
Điều này tạo ra một loạt các vấn đề mới. Hiện chỉ có 617 tỉ Nhân dân tệ (90 tỉ USD) tiền gửi ở nước ngoài có sẵn để mua USD. Nếu Trung Quốc thúc đẩy các công ty đưa nợ trở lại Đại lục, điều này sẽ khiến dòng vốn chảy ra đáng kể và sẽ khiến NDT mất giá hơn nữa so với đồng USD.
Những nhà đầu tư giá lên từ lâu đã lập luận rằng các rủi ro tài chính của Trung Quốc được ngăn chặn do quốc gia này có mức nợ nước ngoài thấp và dự trữ ngoại hối lớn. Điều đó đã thay đổi.
Nợ nước ngoài của Trung Quốc đã tăng trung bình 70 tỉ USD/quý kể từ đầu năm 2017. Nếu cứ tiếp tục tăng, Bắc Kinh chỉ còn cách là sử dụng dự trữ ngoại hối của mình hoặc để đồng Nhân dân tệ giảm, cả hai đều có rủi ro đi kèm.