Mặc dù tăng trưởng doanh số bán lẻ “giảm tốc” trong năm 2018, nhà kinh tế trưởng Zhu Haibin của công ty dịch vụ tài chính J.P. Morgan chi nhánh Trung Quốc vẫn lạc quan về tăng trưởng tiêu dùng của nước này.
Chuyên gia Zhu cho rằng việc tăng trưởng tiêu dùng chậm hơn vào năm 2018 là do doanh số bán ô tô yếu khi chỉ số này giảm tới 2,76% so với năm 2017 và là lần giảm đầu tiên trong hơn hai thập niên qua. Ông Zhu nói rằng khi loại trừ doanh số bán ô tô, hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc đã duy trì mức tăng ổn định, qua đó giúp ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm 2018.
Hoạt động tiêu dùng đã đóng góp 76,2% vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái của Trung Quốc. Doanh số bán lẻ, một thước đo chính cho hoạt động tiêu dùng, cũng ghi nhận mức tăng 9% so với mức tăng 10,2% hồi năm 2017.
Ông Zhu cho rằng các chính sách thúc đẩy tiêu dùng đã được Bắc Kinh lên kế hoạch. Chính phủ Trung Quốc sẽ khuyến khích người dân mua thêm các thiết bị điện gia dụng và ô tô tùy theo tình hình tại mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách để tăng nguồn cung sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đồng thời củng cố sức mạnh chi tiêu của người dân bằng các biện pháp như khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đặc biệt.
Chuyên gia kinh tế Dinh Shuang của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng tiêu dùng sẽ vẫn là động lực lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới. Ông viện dẫn lý do rằng hoạt động tiêu dùng có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn đầu tư trong bối cảnh xu hướng đô thị hóa, sự già hóa dân số và nhóm thu nhập trung bình ngày tăng đòi hỏi chất lượng hàng hóa và dịch vụ cũng phải cao hơn.
Số liệu mới nhất do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 21/1 cho thấy nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, thấp hơn so với con số 6,8% trong năm 2017 và cũng là mức thấp nhất trong 28 năm qua của nước này.
Diễn biến trên xảy ra giữa lúc giới chức Trung Quốc tiến hành một loạt điều chỉnh cấu trúc dài hạn nhằm đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn. Cùng lúc đó, tranh chấp thương mại với Mỹ cũng khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc thêm bất ổn.
Một số nguồn thạo tin gần đây đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đang lên kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn 6-6,5% trong năm 2019.
Trung Quốc cần đạt nhịp độ tăng trưởng khoảng 6,2% trong năm 2019 và 2020 để đáp ứng được mục tiêu dài hạn là tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong giai đoạn 10 năm tính đến hết năm 2020, qua đó đưa Trung Quốc trở thành quốc gia "thịnh vượng ở mức khá".