Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón

Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Vietcombank, giá phân ure thế giới trong năm nay dự báo sẽ tăng trung bình 4% so với năm 2024 trong bối cảnh giá khí tự nhiên - nguyên liêu đầu vào chính trong sản xuất phân bón tăng và nguồn cung phân bón toàn cầu có thể vẫn bị kiểm soát chặt.
Cụ thể, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ vừa đưa ra dự báo giá khí tự nhiên Henry Hub của nước này trong năm 2025 và năm 2026 dự báo lần lượt tăng 73% và 49%, lần lượt đạt 3,79 USD và 4,16 USD/MMBtu.
Hồi tháng 10/2024, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo giá khí tự nhiên Henry Hub và giá khí châu Âu trong năm nay sẽ lần lượt tăng 54% và 65%, lần lượt đạt 3,4 USD và 11,5 USD/MMBTu.
Trong khi đó, nguồn cung xuất khẩu phân ure trên toàn cầu trong năm nay được dự báo sẽ giảm 3% so với năm 2024. Yara - tập đoàn dinh dưỡng cây trồng lớn nhất thế giới - cho biết việc mở rộng công suất sản xuất phân ure trên toàn cầu (ngoại trừ Trung Quốc) đã đạt đỉnh vào năm 2022 với công suất tăng thêm 6,2 triệu tấn/năm (TPA). Mức TPA cho năm 2024 ước tính chỉ còn 2,7 triệu tấn và dự kiến giảm còn 0,4 triệu tấn trong năm 2025.

Đồng thời, triển vọng nối lại xuất khẩu nhiều loại phân bón chủ chốt của Trung Quốc hiện vẫn chưa rõ ràng. Tính đến tháng 2/2025, nước này cũng chưa có thông báo chính thức cho biết có kế hoạch tăng xuất khẩu phân bón trong năm nay. Trên thực tế, Trung Quốc đã tiếp tục điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón nhằm hỗ trợ nhu cầu trong nước.
Với những yếu tố này, Chứng khoán Vietcombank cho rằng Trung Quốc - nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới ít có khả năng tăng xuất khẩu phân bón hoặc sẽ chỉ xuất khẩu với khối lượng thấp trong năm nay nhằm ưu tiên nhu cầu nội địa và ổn định giá thị trường.
Bên cạnh đó, Nga tiếp tục áp dụng cơ chế hạn ngạch đối với hoạt động xuất khẩu phân bón từ 1/1/2025 đến 31/5/2025. Trong đó, hạn ngạch đối với phân đạm trong giai đoạn này là 11,2 triệu tấn. Sản xuất phân ure tại EU dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong năm nay khi giá khí đốt tăng cao trở lại.
Nhu cầu phân ure trong nước dự kiến cán mốc 2 triệu tấn
Về phía nhu cầu, Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) ước tính nhu cầu phân bón trên toàn cầu đã tăng 2% trong năm 2024, đạt 195,4 triệu tấn và dự báo tiếp tục tăng trưởng 2,2% trong năm 2025. Trong khi đó, dự báo tổng hợp của Bloomberg cho thấy, nhu cầu phân ure trên toàn cầu trong giai đoạn 2024 - 2030 sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 2,4%, từ mức 188 triệu tấn vào năm 2024 lên 217 triệu tấn vào năm 2030.
Đối với thị trường trong nước, hãng nghiên cứu AgroMonitor dự báo nhu cầu tiêu thụ phân ure trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 5%/năm, cán mốc 2 triệu tấn trong năm nay.
Theo Chứng khoán Vietcombank, nhu cầu phân bón trong nước dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực khi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng canh tác. Đồng thời, giá phân bón trong nước sẽ dần giảm xuống khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa chủ động giảm giá bán sau khi được khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Với các yếu tố thị trường trên, Chứng khoán Vietcombank đánh giá biên lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp sản xuất phân ure trong nước như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM) sẽ được mở rộng.
Đặc biệt chi phí khí đầu vào để sản xuất phân ure của 2 doanh nghiệp này lại được neo theo giá dầu thô Brent. Các tổ chức uy tín trên thế giới hiện dự báo giá dầu thô Brent năm nay sẽ đạt trung bình từ 70 - 85 USD/thùng trong năm nay khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ việc mở rộng khai thác dầu thô, liên minh OPEC+ cũng dự kiến gia tăng nguồn cung từ quý 2/2025 để giữ thị phần trước Hoa Kỳ, và nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc dự kiến vẫn ở mức kém khả quan do bất ổn kinh tế.