Trong đó, giá kim loại đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng thêm 2%, đạt 9.482,50 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 23/6, xác lập phiên phục hồi thứ hai liên tiếp và đây là mức tăng giá theo ngày mạnh nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Giá nickel cũng tăng mạnh 1,8% và giá nhôm tăng thêm 0,6%.
Kể từ giữa tuần trước, thị trường kim loại công nghiệp trên thế giới, đặc biệt là giá đồng và giá nhôm, đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi Trung Quốc cho biết sẽ xả bán nhiều loại công nghiệp như đồng, nhôm, nickel từ kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm hạ nhiệt giá của các kim loại hiện nay.
Tuy nhiên, trong ngày 23/6, Cục Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết đợt xả bán kim loại đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng tới với 20.000 tấn đồng, 30.000 tấn kẽm và 50.000 tấn nhôm. Ngoại trừ kẽm, thì khối lượng xả bán các kim loại của Chính phủ Trung Quốc thấp hơn nhiều so với dự đoán của thị trường. Trước đó, giới đầu tư dự đoán Trung Quốc có thể xả bán ra tới 150.000 tấn kẽm, 200.000 tấn đồng và 500.000 tấn nhôm thông qua một số phiên bán đấu giá công khai.
Động thái xả bán kho dự trữ chiến lược quốc gia là động thái mới nhất của Chính phủ Trung Quốc nhằm kiếm chế đà tăng giá cao kỷ lục của các loại hàng hoá, nguyên liệu thô hiện nay. Giới quan sát nhận định, các động thái can thiệp thị trường của Trung Quốc có thể kéo dài đến cuối năm nay và thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của Trung Quốc.
Ông Wang Yue, chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán phái sinh Shanghai East Asia Futures (Trung Quốc), nhận định các nhà điều hành chính sách Trung Quốc sẽ điều chỉnh các các đợt xả bán trong tương lai dựa trên phản ứng của thị trường.
“Với giả định Trung Quốc đang nắm giữ lượng lớn kim loại đồng, thị trường sẽ thấy lượng xả bán lớn hơn nhiều trong tương lai nếu như Chính phủ Trung Quốc thấy cần phải hành động”, theo ông Wang Yue.
Ông Daniel Briesemann, nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Commerzbank AG (Đức) cho biết “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ xả bán khối lượng lớn hơn. Thị trường rõ ràng đã dự báo nước này sẽ tung ra một lượng lớn kim loại, điều này được thể hiện qua việc giá kim loại tăng nhanh chóng trở lại khi mức xả bán thấp hơn kỳ vọng”.
Nhiều chuyên gia phân tích cũng đồng tình cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ khó có thể xả bán lượng lớn kim loại trong phiên đấu giá đầu tiên và nước này sẽ điều chỉnh lượng xả bán dựa trên phản ứng của thị trường. Hiện Trung Quốc không công bố dữ liệu chính xác về khối lượng dự trữ kim loại và con số này được giả định ở mức rất lớn thì nước này cũng chỉ có thể xả bán một lượng dự trữ nhất định.
Bộ phận nghiên cứu thị trường của hãng tin Bloomberg (Bloomberg Intelligence) nhận định các biện pháp can thiệp thị trường của Chính phủ Trung Quốc sẽ đạt hiệu quả do đà tăng giá nhiều loại hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô hiện nay chủ yếu do “kỳ vọng tăng giá” của giới đầu tư hơn là các yếu tố cung – cầu trên thị trường.
Nhu cầu sử dụng kim loại của Trung Quốc sẽ suy yếu trong những tháng tới khi hoạt động sản xuất và tăng trưởng tín dụng tại nước này chậm lại. Phần lớn lượng nhôm trên toàn cầu là được sản xuất tại Trung Quốc và sản lượng nhôm tại nước này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đối với đồng và kẽm, nguồn cung quặng kim loại được dự kiến sẽ tăng lên khi các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các tín hiệu sẽ sớm siết chặt chính sách kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ khiến đồng USD ngưng suy giảm và tăng giá trở lại. Điều này sẽ kìm hãm đà tăng của giá hàng hoá, nguyên liệu thô trong dài hạn.