Thực hiện kế hoạch khuyến công của địa phương và quốc gia, ngay từ những ngày đầu năm, Trung tâm Khuyến công Quảng Bình đã rất chú trọng tuyên truyền cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, các mô hình điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng của Tỉnh, khơi dậy phong trào đầu tư phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn trong toàn Tỉnh. Bằng việc xây dựng thường xuyên các chuyên mục hấp dẫn trên các tờ báo và đài PTTH của Tỉnh, công tác tuyên truyền của Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến công Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, thường xuyên về các cơ sở sản xuất để tư vấn và lập các dự án đầu tư, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, lựa chọn phát triển ngành nghề, tổ chức đào tạo truyền và dạy nghề cho người lao động..., động viên, khuyến khích các hộ gia đình, chủ doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn.
Năm 2006, Trung tâm đã tổ chức 03 đoàn tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Hưng Yên…; mở 05 lớp đào tạo nghề mây xiên xuất khẩu cho gần 150 lao động là bà con nông dân tại 2 xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) và xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh); giúp Hội Phụ nữ thành phố Đồng Hới tổ chức đào tạo 02 lớp thêu ren với 60 học viên. Thông qua các đề án hỗ trợ của UNIDO, SNV, dự án phân cấp giảm nghèo nông thôn tỉnh Quảng Bình, dự án bảo tồn tài nguyên thiên nhiên miền Trung…, Trung tâm còn tổ chức đào tạo nghề cho nhiều lao động ở các xã khác trong Tỉnh, xây dựng các mô hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập huấn cho các chủ cơ sở sản xuất…
Năm qua, Trung tâm cũng đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện, thành phố triển khai lập và hoàn chỉnh hồ sơ các dự án hỗ trợ cho công tác khuyến công. Tỉnh đã có 07 dự án được xét hỗ trợ với tổng số tiền gần 300 triệu đồng và tiếp tục hỗ trợ cho 3-4 cơ sở khác, với tổng số vốn khoảng hơn 400 triệu đồng. Các doanh nghiệp trong Tỉnh cũng được hỗ trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng số vốn giải ngân trong năm khoảng 230 triệu đồng.
Ngoài những dự án khuyến công của địa phương, năm 2006, Trung tâm được hỗ trợ 3 đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí 210 triệu đồng. Đó là đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất các loại tơ nguyên liệu của Doanh nghiệp tư nhân Tằm tơ Tây Trúc”; đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến sản phẩm nông, thuỷ sản” của Công ty TNHH Đại Thuỷ và đề án mở 04 lớp đào tạo mây xiên xuất khẩu tại xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch).
Nhờ triển khai đồng bộ hoạt động khuyến công, từ tổ chức tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đến hướng dẫn lập các dự án đầu tư, tổ chức đào tạo nghề, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, lựa chọn phát triển ngành nghề, thị trường tiêu thụ…, kinh tế công nghiệp nông thôn Quảng Bình đã từng bước chuyển biến, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh đạt 1.884 tỷ đồng, tăng 19,25% so với năm 2005. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 690 tỷ đồng, tăng 33%.
Để đẩy mạnh công tác khuyến công hơn nữa, Năm 2007, Trung tâm Khuyến công Quảng Bình chú trọng thực hiện 5 giải pháp sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh, làm cho mọi người hiểu rõ, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển SXKD trên lĩnh vực TTCN & NNNT.
2. Tổ chức tốt công tác đào tạo truyền nghề, dạy nghề sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
3. Tích cực đi sâu sát cơ sở để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của cơ sở, vừa tuyên truyền vận động, vừa tư vấn hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp về pháp luật, quản trị doanh nghiệp, kỹ thuật công nghệ đến các thông tin kinh tế, thị trường, giá cả…
4. Tổ chức đánh giá kết quả công tác đào tạo nghề của các năm để đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo trong các năm tiếp theo; chỉ đạo xây dựng, củng cố và hoàn thiện, tiêu thụ các sản phẩm cho các cơ sở sản xuất và người lao động trong các làng nghề.
5. Tổ chức cho các chủ cơ sở, những người có tâm huyết với nghề nghiệp đi học tập, tìm hiểu thị trường, để phát triển các ngành nghề mới mà địa phương có lợi thế về nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ.