Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để khai thác lợi thế

Thái Nguyên là tỉnh vùng Đông Bắc nước ta, có lợi thế về khí hậu, đất đai, tài nguyên, khoáng sản và nguồn nhân lực. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh đó, từ nhiều năm qua, được sự giúp đỡ của Cục Công

Qua tìm hiểu được biết, ngay sau khi có quyết định thành lập (21-3-2005), TTKC Tỉnh đã đề xuất đẩy mạnh chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Công nghiệp và các tổ chức kinh tế chính trị- xã hội tại địa phương. Trong đó, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Tỉnh thực hiện hai đề án quan trọng: “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp” và xây dựng “Mô hình tổ chức và quản lý điện nông thôn” trên địa bàn Tỉnh. Hai chương trình này được TTKC xác định là trọng điểm, vì khuyến khích phát triển sản xuất tại các cơ sở kinh tế địa phương chính là thúc đẩy các giải pháp cơ bản, thể chế hoá các văn bản pháp luật vận dụng vào địa phương, nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể của tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế- xã hội của Đảng bộ Tỉnh đề ra. Năm 2005, trên địa bàn tỉnh có 314 hợp tác xã (HTX), trong đó có 165 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ điện. Số hợp tác xã trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN năm 2005 là 21 hợp tác xã. Nhờ tổ chức chặt chẽ và định hướng hoạt động theo quy định của pháp luật, các tổ chức kinh tế tập thể của địa phương đã có bước phát triển vững chắc. Nhiều HTX đã năng động, sáng tạo, bắt kịp với cơ chế mới và hoạt động khá hiệu quả như: HTX Công nghiệp Toàn Diện; HTX Cán thép Lương Sơn: HTX Khai thác quặng sắt Trại Cau... góp phần nâng GTSXCN của Tỉnh năm 2005 đạt 26 tỷ đồng.

Bước sang năm 2006, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gặp rất khó khăn, do số cán bộ làm công tác khuyến công của Trung tâm vừa mới, vừa thiếu (hiện mới được biên chế 3 người), lại chưa có kinh nghiệm, chưa có mạng lưới khuyến công viên kiêm nhiệm đến cơ sở, đặc biệt là thiếu cơ sở vật chất, phương tiện nên khi tổ chức thực hiện còn khá lúng túng. Trong khi đó, Thái Nguyên là một tỉnh rộng (diện tích gần 3.600 km2), các doanh nghiệp nông thôn, các làng nghề, các hợp tác xã công nghiệp tại các huyện, thị xã có quy mô nhỏ, phân tán, không tập trung, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, do nhận thức về công tác khuyến công ở các địa phương còn hạn chế, đặc biệt là nguồn kinh phí phục vụ cho công tác khuyến khích phát triển sản xuất ở doanh nghiệp, các HTX khu vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn hẹp, ngay cả việc tổ chức đi cơ sở, cán bộ khuyến công phải tự túc đi bằng phương tiện cá nhân  nên chưa thể triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Vì vậy, đề khắc phục khó khăn, TTKC Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hoạt động điểm, có chọn lọc, trước mắt đẩy mạnh công tác, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến công, kinh tế hợp tác, HTX; chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mở các lớp bồi huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, các khoá đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật và ngành nghề cho lao động địa phương, nhằm bổ sung lực lượng lao động có tư duy, kiến thức khoa học công nghệ mới cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong Tỉnh; tiếp tục đề nghị Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công nghiệp quan tâm hỗ trợ kinh phí và giúp đỡ về định hướng nội dung, kinh nghiệm hoạt động, nhằm đưa công tác khuyến khích phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn và kinh tế tập thể trên địa bàn Thái Nguyên đi vào chiều sâu. Đồng thời, tập trung vào hai chương trình khuyến công có thế mạnh của Tỉnh là may mặc và chế biến nông lâm sản, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhằm khai thác tiềm năng về đất, rừng và nguồn lao động tại chỗ.  

Theo số liệu của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên, năm 2006, tỉnh đăng ký thực hiện một số dự án với tổng kinh phí là 150 triệu đồng từ nguồn khuyến công quốc gia, tập trung vào 2 đề án: Đào tạo nâng cao tay nghề mây tre đan xuất khẩu và Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất hợp kim sắt. Đến nay cả hai đề án đều thực hiện tốt và sẽ hoàn thành vào tháng 12/2006. Riêng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Tỉnh, Trung tâm đã thực hiện được 11 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí là 492 triệu đồng, tập trung chủ yếu cho công tác xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát, rút kinh nghiệm những cách làm hay, những điển hình tiên tiến của các tỉnh bạn; hỗ trợ 7 doanh nghiệp, HTX lập dự án đầu tư; xây dựng điểm trưng bày sản phẩm, bán hàng, quảng cáo từ nguồn kinh phí KC địa phương..., và hiện tại có nhiều đề án đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả.

Điểm nổi bật của chương trình khuyến công trên địa bàn Thái Nguyên là, bằng nguồn vốn từ quỹ khuyến công quốc gia và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến công Tỉnh đã tập trung cho công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho 678 lao động tại các địa phương (tổng kinh phí hỗ trợ là 339 triệu đồng). Trong đó, chủ yếu là hỗ trợ đào tạo các khoá học cho lao động nghề may (gồm 3 lớp, mỗi lớp 100 học viên) và nghề mây tre đan (5 lớp, mỗi lớp 30 người), giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn khai thác nguồn lực và chế biến các sản phẩm từ đất, rừng của địa phương. Hầu hết số lao động được đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp (chủ yếu là những công ty, HTX sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, có các hợp đồng xuất khẩu), với mức thu nhập bình quân hàng tháng ổn định từ 500 ngàn đến 700 ngàn đồng/tháng.

Năm 2007, để công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoạt động đi vào nền nền, hiệu quả hơn, TTKC Tỉnh đã có kế hoạch trình Sở Công nghiệp và các cơ quan chức năng nhà nước và địa phương đề nghị hỗ trợ kinh phí hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc; ổn định bộ máy, tuyển dụng lao động; bổ sung chức năng nhiệm vụ tư vấn công nghiệp; xúc tiến triển khai các dự án công nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường khả năng hỗ trợ tư vấn pháp lý, các dịch vụ thương mại, quảng bá thương hiệu, ngành hàng, sản phẩm; mở rộng các loại hình đào tạo, đa dạng hoá ngành nghề, sản phẩm; khai thác hiệu quả tiềm năng sản phẩm từ đất rừng... Đồng thời, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh để hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và kinh tế tập thể phát triển, giải quyết việc làm cho nông dân, đặc biệt là thanh niên khu vực nông thôn, góp phần cùng các địa phương trong Tỉnh xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

  • Tags: